Thầy trò HLV Miura mang “vũ khí” gì sang Malaysia?

ANTĐ - Sáng nay 23-3, U23 Việt Nam đã có mặt tại Malaysia, chuẩn bị cho trận ra quân vòng loại châu Á sẽ diễn ra sau 4 ngày tới. Điều khiến nhiều người thắc mắc, liệu thầy trò HLV Miura sẽ dùng binh pháp gì để có kết quả tốt trước các đối thủ được đánh giá rất mạnh ở vòng bảng?

Những mối lo cứ ngày một dày lên sau chuỗi trận giao hữu không có nhiều tiến bộ, từ cá nhân cầu thủ đến các miếng đánh chiến thuật của U23 Việt Nam.

Nhìn lại cả 5 trận giao hữu lẫn đá tập (thắng Hà Nội T&T 3-1, thắng Indonesia 1-0, hòa Uzbekistan 0-0, hòa Đồng Nai 1-1, thua Thái Lan 1-3) vừa qua, có thể thấy U23 Việt Nam chưa thể định hình được lối chơi cụ thể. Vốn ưa thích đội hình 4-4-2, song khi mà các vị trí không chơi được như mong muốn, HLV Miura đã chuyển sang thử nghiệm đội hình 4-4-1-1, rồi 4-5-1, dùng tới 6-7 quyền thay đôi người ở mỗi trận. Một tháng tập trung vừa qua là khoảng thời gian ông thầy người Nhật xoay tua, bới tung đội hình gồm những cầu thủ đa số lần đầu được đá cùng nhau nhưng kết quả thu về chưa ưng ý. 

Thầy trò HLV Miura mang “vũ khí” gì sang Malaysia? ảnh 1

Trận thua trước Thái Lan chỉ ra cho thầy trò Miura thêm nhiều điểm yếu cần khắc phục

Kết quả các trận giao hữu (thắng 2, hòa 2, thua 1) không phản ánh đúng thực lực đội tuyển khi các đối thủ hoặc yếu, hoặc chỉ không đá hết sức và đến khi gặp U23 Thái Lan, chỉ với đội hình 2 cũng đủ thắng nhàn U23 Việt Nam tới 2 bàn cách biệt.

Một phần nguyên nhân đến từ việc có quá nhiều cầu thủ chấn thương buộc phải loại bỏ (9/10 cầu thủ không thể sang Malaysia vì chấn thương). Nhưng vấn đề lớn nhất của đội tuyển vẫn nằm ở lối chơi còn quá mơ hồ, thiếu hiệu quả. Gần như ở các trận, đội diễn đi diễn lại một mô típ là tuyến dưới phất bóng lên cho tuyến trên tự xoay trở, trong khi những tiền vệ lẫn tiền đạo lại phối hợp rời rạc, bế tắc và hoặc để mất bóng, hoặc thất bại ở những tình huống xử lý cuối cùng. 

Nếu như điểm yếu hàng công đã trở thành cố hữu, chưa có dấu hiệu khởi sắc thì hàng thủ - nơi tạo sự yên tâm nhất cho HLV Miura suốt 4 trận đấu trước, thì ở trận thua Thái Lan đã bắt đầu cho thấy sự chệch choạc, lơ là và có phần rối khi phải đối mặt với một đối thủ hơn một bậc về đẳng cấp. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại tại vòng loại châu Á khi 2 trong 3 đối thủ của U23 Việt Nam là Malaysia và Nhật Bản đều được xếp ở "cửa trên".

Sự lạc quan có phần khiên cưỡng của HLV Miura (đại loại như sau trận thua 1-3 trước Thái Lan, ông Miura vẫn khen cầu thủ hàng công tiến bộ và tin tưởng thời gian 4 ngày còn lại sẽ giúp toàn đội khắc phục các điểm yếu) không thể khỏa lấp nỗi lo đang bao trùm.

Ở góc nhìn lạc quan, trận thua trước Thái Lan đã một lần nữa chỉ ra cho HLV Miura thấy thêm những hạn chế của học trò - như chính thừa nhận của ông thầy người Nhật, và quan trọng hơn, nó giúp các cầu thủ làm quen với trạng thái bị dẫn bàn và bị đối phương ép - một bài học mà họ chưa được học ở chuỗi 4 trận chỉ thắng và hòa trước đó. Bởi một đội bóng muốn trở thành bất khả chiến bại thì cầu thủ phải được trải nghiệm tất cả các hoàn cảnh (thắng-thua) lẫn các trạng thái tâm lý. AFF Cup 2008, thầy trò HLV Calisto đã được trải nghiệm sau chuỗi 10 trận giao hữu toàn thua nhưng khi vào trận đánh quyết định đã chơi đầy bản lĩnh và đi một mạch tới chức vô địch. Đó có thể xem là điểm tựa tinh thần ít ỏi với thầy trò HLV Miura lúc này.

Nếu xét về khía cạnh chuyên môn đơn thuần, có thể U23 Việt Nam chưa có "vũ khí" nào thật sự lợi hại. Nhưng mỗi vấn đề đều có tính 2 mặt của nó. Ở tư thế của một đội bị đánh giá "cửa dưới" khi nhập cuộc sẽ dễ đá hơn một đội gánh trên vai quá nhiều kỳ vọng, chỉ tiêu. Đó có thể xem là vũ khí ít ỏi của thầy trò HLV Miura lúc này - thời điểm giải đấu chính thức chỉ còn 4 ngày.

Một đội tuyển trước giải có quá nhiều vấn đề đáng lo nhưng khi vào giải đã khắc phục rất tốt những vấn đề đó để đạt mục đích, như thầy trò HLV Calisto đã làm được 6 năm trước. Liệu U23 Việt Nam của Miura có làm được điều tương tự?