Cái lý của ông Miura

ANTĐ - Suốt hơn 3 tháng tập trung cho tới trận ra quân gặp Indonesia tối 22-11, HLV Miura đã có không ít quyết định chuyên môn gây bất ngờ. Dù chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục, nhưng người xem vẫn dành niềm tin cho ông thầy người Nhật.

Cái lý của ông Miura ảnh 1Chủ trương trẻ hóa và cách dụng binh của ông Miura đang mang lại tín hiệu tích cực

Nguyên Mạnh là cái tên được nhắc nhiều nhất ở trận hòa đáng tiếc trước Indonesia. Thủ môn 22 tuổi đã mắc sai sót sơ đẳng trong bàn thua thứ hai để “biếu không” cho đối thủ 1 điểm. Nhìn Nguyên Mạnh để bóng vuột khỏi tay vào lưới, tại khu kỹ thuật, ông Miura “chết lặng” hồi lâu nhưng tại buổi họp báo sau trận có sự góp mặt của hơn 100 phóng viên khu vực và quốc tế, thay vì đổ lỗi, ông thầy người Nhật ra sức bảo vệ học trò. Thừa nhận mất điểm vì sai lầm cá nhân nhưng ông Miura không hề nhắc tên cụ thể người sai phạm mà chỉ cho biết “sẽ nói chuyện với từng người để họ không tái phạm ở trận sau”.

Cách mà ông Miura lên tiếng bảo vệ chính là cách ông giúp học trò thoát khỏi sức ép của truyền thông, dư luận và cũng là cách động viên những tuyển thủ trẻ này vượt qua cú sốc: “Tôi nói với các cầu thủ, rằng trận đấu đã khép lại và hãy để nó sau lưng. Điều chúng ta cần làm là nhìn về phía trước và chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu sắp tới”. Về phần mình, Nguyên Mạnh sau khi nhận bài học đắt giá đã có thêm động lực sửa sai từ sự bao dung của người thầy. Đó là lý do để người ta chờ đợi vào sự “lột xác” của thủ môn người Nghệ An trong những trận tới.

Dưới thời ông Miura, cơ hội và quyền lợi luôn được chia đều. Đó là lý do mà ông sẵn sàng loại những cựu binh - công thần nhưng hiện không có phong độ tốt, để trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Và ít nhiều ở các trận đấu vừa qua, lối chơi của đội tuyển tràn trề nhựa sống bởi sức trẻ và khát khao. Trận gặp Indonesia, ông Miura gây sốc khi cất đội trưởng kỳ cựu Tấn Tài trên ghế dự bị để trao cơ hội cho Huy Hùng - Hoàng Thịnh và thực tế 90 phút chơi năng nổ, ăn ý của cặp tiền vệ trẻ này đã chứng minh quyết định của ông Miura là đúng đắn. Hay như cách ông Miura cho Công Vinh ngồi dự bị được ví như “bỏ đói một con hổ” để rồi đến khi được tung vào sân, Công Vinh đã bùng nổ để giải cơn khát bàn thắng dồn nén suốt 2 tháng qua, được xem như một thủ pháp dụng binh khéo léo. 

Song trên hết là cách mà ông Miura tạo cơ hội, đất diễn cho các tuyển thủ phát huy tối đa thế mạnh, mà điển hình là khả năng tham gia tấn công của hậu vệ Quế Ngọc Hải đã chuyển hóa thành bàn thắng. Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, đội tuyển dưới thời HLV Miura đa dạng hơn trong lối chơi và tiềm ẩn sự biến hóa khôn lường sau mỗi quyết định chiến thuật của ông thầy người Nhật. “Tôi xin phép không nói về cách chơi của đội ở trận tới” - phát biểu của ông Miura sau trận hòa Indonesia càng tạo thêm sự tò mò thú vị. Dù chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục trong cách dụng binh của HLV này, song sau những gì đã thể hiện, người ta có lý do để chờ đợi những phép tính của ông Miura sẽ phát huy hiệu quả ở các thử thách tiếp theo.