Nhà văn Ma Văn Kháng:

Văn chương sẽ còn mãi dù nó là thứ hàng hóa bị trả giá quá thấp

ANTĐ - Nhà văn Ma Văn Kháng thừa nhận rằng văn chương là một nghề nhọc nhằn và nghiệt ngã nhưng ông lại bảo: “Nào có ai phân công hay  bó buộc anh.  Anh tự nguyên  dấn thân vào cái kiếp sống nhọc nhằn và nghiệt ngã này đấy chứ”. Trò chuyện với An ninh Thủ đô cuối tuần về nghề viết, ông nói: “Viết văn còn là  một nghề  của  những niềm vui sướng và hạnh phúc vô cùng lớn lao nữa kia! Và văn chương sẽ còn mãi mãi với con người như một lẽ tự nhiên kỳ lạ, cho dù nó là một thứ hàng hoá bị trả giá quá thấp, cho dù nó bị dè bỉu dìm dập; cho dù nó có thể gây nên bao nhiêu oan khổ, cho đời người”

Xin chào nhà văn Ma Văn Kháng, sức khỏe của ông dạo này thế nào? Cái động mạch vành nó có gây khó cho công việc sáng tác của ông?

- Cám ơn An ninh Thủ đô cuối tuần. Tuổi già sức khỏe sớm nắng chiều mưa ấy mà.  Lâu dài thì tất nhiên là kém sút dần rồi. Nhưng một năm gần đây thì  nhờ Trời, ba cái stent (giá đỡ) đặt trong động mạch vành từ năm 2007 nghe chừng tạm ổn. Thành ra,  nhúc nhắc được là  viết . Không viết  dài  thì viết  ngắn. Nghề văn nó như   cái dây oan nghiệt, đã quàng vào người rồi thì khó thoát ra được! 

- Tôi hỏi vậy vì biết mặc dù phải chống chọi với bệnh tật nhưng vẫn không rời xa cây bút, hình như trong ngăn kéo của ông lúc nào cũng đầy ắp những trang bản thảo?

- Thật tình là rất nhiều cái  bây giờ mới in, nhưng đã viết xong từ lâu rồi, từ hồi còn trẻ và chưa ốm đau bệnh tật gì nhiều. Tôi có  thói quen làm việc vậy. Gặp cảm hứng,  cứ thả hết xuống trang giấy đã, hay dở chưa cần biết.  Rồi  mặc  cho thời gian qua,  lúc nào thấy có ý gì mới, có câu chữ nào hay,  thì  lại lôi  ra sửa chữa thêm bớt. Không thì cứ để đấy. Cứ thế, nên gần như lúc nào cũng có những trang viết  chưa hoàn thành, coi như là những cái phôi,  lúc cần và có hứng thú có khi   chỉ sửa  chữa tí chút là xong. Tuy vậy,   cũng không phải là nhiều nhặn gì đâu, những cái tôi gọi là phôi ấy! 

- Thú thực là tôi hết sức bất ngờ khi ở vào tuổi này rồi, trong một tình trạng sức khỏe như thế mà một năm ông vẫn cho ra đời vài tập tiểu thuyết, và những sáng tác của ông vẫn đều đặn trên các mặt báo mà tờ An ninh Thủ đô cuối tuần của chúng tôi là một ví dụ?  Ông thường viết vào lúc nào?

- Tuổi cao, sức yếu, có cái thuận là ít vướng vào các việc hội đoàn, xã hội. Thành ra nếu trời cho sức khỏe không đến nỗi, thì hóa ra  còn  nhiều thời gian rỗi rãi, không biết làm gì cho hết, chứ không eo hẹp như thời còn trẻ đâu. Nói thật, có những hôm ngủ dậy, con cháu đi học đi làm hết, nằm ngẩn ra giữa căn phòng  vắng, bâng khuâng  tự hỏi mình: Hôm nay làm gì cho hết ngày nhỉ? 

- Chúc mừng ông vừa được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng tôi không bất ngờ khi thấy ông có tên trong danh sách? Cảm xúc của ông thế nào? Bây giờ ông mới được nhận giải thưởng có phải là muộn không?

Cuộc sống có quy luật tuần tự nhi tiến của nó!  Cái gì cần đến thì nó sẽ phải đến!   Nói là hoàn toàn  thờ ơ thì là nói dối, nhưng thật tình tôi không bị ám ảnh lắm về chuyện có được hay không được giải thưởng cao quý này. Tất nhiên,  tôi rất vui mừng và hãnh diện nữa vì   Giải thưởng lớn này là một sự đánh giá,  đánh giá những nỗ lực  lao động  của tôi suốt mấy chục năm qua.

- Giả sử nếu trong danh sách không có tên nhà văn Ma Văn Kháng  mà thay vào đó là một cái tên khác, ông có thấy buồn không? 

- Cũng buồn chứ! Nhưng buồn vừa vừa thôi. Buồn vì người ta không đọc kỹ mình!

- Theo ông, hạnh phúc của nhà văn là gì và bi kịch của nhà văn là gì?

 Hạnh phúc của nhà văn là  tác phẩm của anh ta đồng hành  mãi mãi cùng đời sống tinh thần  nhân dân mình.  Bi kịch của nhà văn là bị  rơi  vào lãng quên,  không lọt được ký ức của bạn đọc,  từ tác phẩm đến tên tuổi.

- Cố nhà văn Nguyên Hồng đã từng nói rằng: “Nghề văn là nghề nhọc nhằn, nghiệt ngã và sòng phẳng”, ông có nghĩ như vậy không?

Nào có ai phân công hay  bó buộc anh.  Anh tự nguyên  dấn thân vào cái kiếp sống nhọc nhằn và nghiệt ngã này đấy chứ. Nhưng nghiệt ngã và nhọc nhằn  thật ra cũng chỉ là một mặt dễ nhìn thấy của nghề nghiệp này thôi.  Viết văn còn là  một nghề  của  những niềm vui sướng và hạnh phúc vô cùng lớn lao nữa kia!  Từ đống nguyên liệu ngổn ngang, chọn lọc ra những giá trị trường cửu, bằng tất cả say mê và tài sức, theo chân các bậc tiền nhân, gắng sức tận lực tạo nên một tòa  lâu đài văn chương thật tráng lệ nguy nga,  nguy nga  tráng lệ như Truyện Kiều hay các tác phẩm cổ điển, việc ấy như người xưa nói, chỉ có  thiên tài và các bậc thánh triết mới làm được, hỏi có  khoái cảm cao cả  và lãng mạn, có ảo mộng huy hoàng nào bằng!  

- Ông quan niệm thế nào về nghề viết? Theo ông sứ mệnh của một nhà văn là gì? Có phải nhà văn viết văn để nổi tiếng? 

- Người viết, khi sáng tác, chỉ một mực chú tâm theo đuổi cái khát vọng là hoàn thiện đến tối đa cái công trình thẩm mỹ của mình, không vương vấn bất cứ một điều gì, kể từ quyền lợi vật chất đến tinh thần, từ các áp lực hữu hình đến vô hình. Văn chương là một kiểu hình tướng diễn đạt một chân lý mà không có một kiểu cách nào đạt được như nó. Tính độc đáo của văn chương và sự sáng tạo có tính thần thánh đó là nguồn cảm hứng cuốn hút mãi mãi người viết. Chứ không phải là cái danh đơn thuần, cái tiếng tăm thông tục. Càng không phải là vì đồng tiền nhuận bút. Quá trình sáng tác là một quá trình nhập đồng, thăng hoa hoặc đau đáu dằn vặt, nhưng là xa lìa hoàn toàn tục luỵ phàm trần, với tất cả bồi hồi trước cái bí ẩn chưa hề biết, với những gắng gỏi trên sức của mình, trong cơn say mê điên rồ duy nhất, với khát vọng duy nhất là tạo dựng được bằng hình tượng thẩm cái ý đồ nằm trong ẩn ức của mình. Và chính là bằng cái đó, nhà văn trò chuyện với bạn đọc và phục vụ nhân dân mình! Văn chương, chính là cái thiêng liêng, cái bí ẩn của nó mà người đọc bị hút hồn. Và đó là căn nguyên của sự tồn tại cái thứ nghệ thuật ngôn ngữ siêu đẳng này. Văn chương sẽ còn mãi mãi với con người như một lẽ tự nhiên kỳ lạ, cho dù nó là một thứ hàng hoá bị trả giá quá thấp, cho dù nó bị dè bỉu dìm dập; cho dù nó có thể gây nên bao nhiêu oan khổ, cho đời người.       

- Nhà thơ Phùng Quán có một câu thơ như một lời tự sự rằng: “Có những phút ngã lòng, tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy”, đã bao giờ ông “vịn vào những câu thơ chưa” bởi nếu như đọc hồi ký của Ma Văn Kháng thì cũng có những lúc tôi thấy ông phải nếm trải những năm tháng  buồn đau?

- Tôi sống giản dị và âm thầm. Tôi  coi mình là một người  rất bình thường, nên tôi  có khả năng lặng lẽ  chịu đựng. Nói một cách hình ảnh:  tôi là một tòa nhà tinh thần  có nhiều căn buồng,  các căn   buồng có thể chứa được tất cả  niềm vui nỗi buồn. Và chúng chẳng ảnh hưởng gì đến  nhịp sống bình thường của tôi.

- Cho đến bây giờ, với một gia sản lớn là 76 tập sách, ông còn điều gì tiếc nuối nữa không, còn điều gì day dứt với văn chương nữa không?

- Với những cái đã viết,  đôi khi  cũng thấy  tiêng tiếc. Giá như hồi đó… Giá như không phải như thế… Nhưng thôi. Lịch sử là một dòng chảy tự nhiên, biết làm sao  thay đổi được!

- Ông có muốn tâm sự điều gì với những đồng nghiệp của mình, với những bạn đọc của mình sau khi nhận giải thưởng danh giá - giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh?

- Tôi chân thành cảm ơn  các bạn đồng nghiệp và bạn đọc yêu quý. Động viên, khích lệ,  chỉ bảo  và xác nhận giá trị của tôi, chính là họ. Không có họ, tôi chẳng là cái gì hết.

- Xin cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và những sáng tác mới!

Sáng qua 19-5, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và danh hiệu NSND đã được tổ chức long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng nhiều lãnh đạo các bộ ban ngành và đông đảo văn nghệ sĩ của cả nước.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm, cụm tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của 12 tác giả. Đó là những tên tuổi gạo cội và đã có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà như nhà văn Đỗ Chu (Chu Bá Bình), nhà văn Ma Văn Kháng (Đinh Trọng Đoàn), nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, nhà thơ Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh), nhà văn Hồ Phương (Nguyễn Thế Xương), nhà văn Lê Văn Thảo (Dương Ngọc Huy), cố nhà thơ Phạm Tiến Duật,  cố NSND Sỹ Tiến (Nguyễn Xuân Kim), cố NSND Đạo diễn Dương Ngọc Đức, cố nhạc sĩ Văn Chung (Nguyễn Văn Chung), cố NSND đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Cũng trong buổi lễ, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu NSND cho 74 nghệ sỹ. Trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của đạo diễn Đặng Xuân Hải. Trước lễ công bố 1 ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu NSND cho NSƯT đạo diễn Đặng Xuân Hải sau những ồn ào xung quanh việc ông bị rút khỏi danh sách trao tặng Giải thưởng Nhà nước và phong tặng danh hiệu NSND.