Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Văn chương không cần hộ chiếu

ANTĐ - Chúng ta mất rất nhiều tiền để xây dựng hình ảnh đất nước trên CNN trong một phút, nhưng cũng chưa ai nghĩ nhiều về quyền lực cũng như sứ mệnh xây dựng hình ảnh bền bỉ của văn hóa mà cụ thể là văn chương. 

Văn chương không cần hộ chiếu ảnh 1“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần được dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước

 Cần đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài

- PV: Thưa ông, đây là lần thứ ba, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta đã đạt được những thành tựu gì từ hai lần trước?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ý thức đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là một quan điểm đúng. Rất nhiều nước, đặc biệt là châu Á đã làm điều này trước chúng ta và làm rất tốt. Ví dụ như Hàn Quốc, ngay từ đầu thế kỷ 20, họ đã ý thức được điều này. Chúng ta, đã nhìn ra tầm quan trọng, nhưng điều kiện để thực hành thì vẫn rất hạn chế. Mới đây, Trung tâm Dịch Văn học Việt Nam đã ra đời nhưng tổ chức vẫn chưa hoàn thiện, phải phụ thuộc quá nhiều vào giấy tờ, con dấu, rồi tài khoản… Hiện, Hội Nhà văn đang đảm nhiệm việc này, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, để làm tốt phải có điều kiện về tài chính. Cũng đã có nhiều nhà văn Việt Nam có sách được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đó hoàn toàn là mối quan hệ cá nhân.

- Đã có vài lý do cho rằng, văn học Việt Nam chưa ra biển lớn vì còn thiếu những tác phẩm có tiếng vang? Điều đó đã thật đúng chưa, thưa ông? 

- Không hẳn là chúng ta thiếu tác phẩm hay. Hệ thống lại các tác phẩm văn học cổ điển đến tác phẩm chiến tranh, thời hậu chiến tranh và đổi mới sau này đều có nhiều tác phẩm xuất sắc. Văn học Việt Nam vẫn chưa là thị trường thế giới như Trung Quốc hay Nhật Bản. Ví dụ, 2 năm trước chúng ta có dịch một tuyển tập truyện ngắn ra tiếng Trung Quốc và phát hành ở đấy. Cuốn sách đã khiến nhiều nhà văn Trung Quốc giật mình bởi họ không ngờ, văn học Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ẩn chứa tinh thần văn hóa, lịch sử dân tộc.

- Ông đánh giá cao những cây bút nào?

- Đó là Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương, ở phía Nam có Nguyễn  Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy… và còn nhiều gương mặt nữa. Tác phẩm của họ phản ánh những vấn đề thời đại, thẳng thắn, trực diện dù cho có lo sợ, có bất thường, có khát vọng làm người và có cả những điều tốt đẹp.

- Nếu đủ tiền, ông sẽ lựa chọn thể loại văn học gì để giới thiệu đến với thế giới trước tiên?

- Sẽ không có chuyện giới thiệu dòng văn học nào trước, dòng nào sau mà làm đồng bộ. Nhưng thú thật là bạn đọc thế giới quan tâm nhiều hơn cả đến dòng văn học chiến tranh và đương đại. Ai cũng muốn biết các tác giả đương đại nghĩ gì về dân tộc, về con người, về văn chương. Họ có sứ mệnh gì cho quốc gia, dân tộc. Và chính sự quan tâm này khiến chúng ta thấy nên giới thiệu cái gì, chiến lược thế nào? Tâm lý bạn đọc bao giờ cũng muốn xem cuốn gì mới nhất của những người trẻ.

Tôi đã đi 50 nước để “gieo mầm” văn học Việt

- Tổ quốc đã thống nhất tròn 40 năm, nhưng hình ảnh về một Việt Nam phát triển và năng động thông qua văn học vẫn còn rất hạn chế. Ông có thấy điều đó đúng?

- Chúng ta mất rất nhiều tiền để xây dựng hình ảnh đất nước trên CNN trong một phút, nhưng cũng chưa ai nghĩ nhiều về quyền lực cũng như sứ mệnh xây dựng hình ảnh bền bỉ của văn hóa mà cụ thể là văn chương. Chúng ta quảng bá du lịch qua khung cảnh thiên nhiên vịnh Hạ Long, hang động Quảng Bình, bãi biển, khu nghỉ dưỡng… Còn quảng bá văn chương để đánh động tâm hồn bạn đọc gần xa thì gần như không có. Những bạn đọc của ta, có thể họ không bao giờ đến Việt Nam, nhưng buổi tối nào đó tự dưng có hai tiếng “Việt Nam” trên tivi, trên radio, trên một bài báo, thì cái vang hẳn sẽ không phải từ bãi biển mà vang vọng từ văn hóa, lịch sử, tâm hồn và khát vọng.

- Cá nhân ông có thấy “sứ mệnh văn chương” hiện tại thiếu thốn và rất tủi thân không?

- Tôi đã đi hơn 50 nước trên thế giới, đã có những cuộc trò chuyện, thuyết giảng về văn học, văn hóa, đời sống lịch sử của dân tộc Việt Nam. 10 năm sau, tôi quay lại những nơi tôi đã “gieo mầm” văn chương Việt, tôi thấy những hạt giống ấy đã thành  cây, đã ra hoa kết quả, nghĩa là bạn bè trên thế giới đã thấy được một Việt Nam khác, năng động phát triển. Họ đã không đi tìm thơ tôi hay những điều tôi nói mà họ đi tìm văn chương Việt Nam, ở đó có những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tác động, đánh thức những điều họ cần được thấy. Rõ ràng là văn chương không cần hộ chiếu, nó đi xuyên qua mọi biên giới và tồn tại vì vẻ đẹp chung của nhân loại.