Nhân ngày giỗ đầu NSND Y Moan:

Tiếng ca vọng mãi núi rừng

ANTĐ - Cách đây đúng 1 năm, cánh chim đầu đàn của đại ngàn Tây Nguyên - NSND Y Moan đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian ngắn chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày. Ông ra đi ở tuổi 54 sau khi kịp thực hiện được tâm nguyện cuối cùng là đứng trên sân khấu hát trong đêm liveshow đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời. Một năm qua đi nhưng nỗi tiếc thương vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người ở lại mà những câu chuyện bình dị dưới đây về ông qua lời kể của cậu con trai cả Y Vol làm người ta thêm nhớ ông.

NSND Y Moan cùng gia đình

Đầu bếp cừ khôi

Trong ngôi nhà của cố NSND Y Moan bây giờ chất đầy những kỷ vật mà ông để lại. Đó là những thứ mà ông cất công “nhặt nhạnh” suốt bao năm trời đằng đẵng, từ cái ché, cái chiêng đến cái trống da trâu, cái dùi gõ của bò rừng...

Duy chỉ có gian bếp lạnh vì vắng những món ăn. Bởi lúc sinh thời, ông có sở thích sưu tầm các món ăn. Mọi người trong nhà Y Moan đều quen với việc thỉnh thoảng rảnh rỗi là ông lại “cưỡi” xe máy, có khi sang tận sát vùng biên giới chỉ để “săn” những món lạ mang về cho vợ con ăn, rồi học cách chế biến để mời mọi người cùng nếm thử. Ông thích lọ mọ tự làm rẫy và trồng đủ thứ cây gia vị khoái khẩu, nhất là cà đắng và ớt cay. Đi quanh năm suốt tháng là thế nhưng hễ về đến nhà là ông lại “lăn vào bếp”. Vậy nên mọi người trong nhà Y Moan vẫn nói vợ ông là đầu bếp chính, còn ông là đầu bếp cừ khôi.

Thắp sáng ước mơ cho con

Y Vol kể anh sinh đúng vào lúc cha mình đi học và đi diễn liên miên, có khi một năm chỉ về thăm nhà vài lần. Nhưng tình cảm cha con không vì thế mà nhạt nhòa. Ngược lại, ông là người đầu tiên và luôn sát cánh cùng anh trên mỗi bước đường cuộc sống. Y Vol chậm nói, mãi đến năm 4 tuổi vẫn chưa biết bi bô, lại khò khè suốt ngày vì bệnh hen suyễn nên không ai tin anh có thể nói, càng không tin anh có thể nối gót bố trên con đường nghệ thuật. Quả thế thật. Lớn thêm một chút, Y Vol biết nói nhưng không thạo hát, được đào tạo về piano nhưng lại mê chơi trống. Biết vậy, Y Moan không buồn mà âm thầm ủng hộ con.

Cả tỉnh Đắc Lắc duy chỉ có đoàn nghệ thuật tỉnh là có bộ trống để chơi, mà muốn mua lại thì phải mất nhiều tiền. Vậy là cứ đi diễn ở đâu, Y Moan lại âm thầm chắt góp, lúc thì xin, khi thì mua rẻ từng dụng cụ về góp lại thành đủ một bộ trống cho con. Đó cũng là bộ trống đầu tiên mà Y Vol có được. Sau này, bộ trống ấy trở nên lỗi thời, ông không hứa “ba sẽ cố mua bộ trống khác cho con” nhưng lặng lẽ làm điều ấy. Có lần đi lưu diễn ở Sài Gòn, hát cả buổi tối được cát sê 2 triệu đồng, ông tìm mua lá đồng (một bộ phận của trống) mang về cho con nhưng vẫn thiếu 2 trăm nghìn đồng nên đành phải vay mượn thêm bạn bè. Chiếc lá đồng đó, ông không đóng vào kiện hàng mà cầm khư khư trên tay trong suốt cuộc hành trình từ Sài Gòn trở về. Vừa về đến nhà ông đưa cho con và không quên nói: “Ba sẽ sưu tầm cho con mọi tài liệu con cần, con hãy học hỏi những gì tinh túy nhất của 10 người giỏi nhất, không phải ăn cắp mà là học lỏm để sau này, 10 người đó gộp lại mới bằng được con”.

Người tiên liệu số phận mình

Hoài bão lớn nhất của Y Vol là khi học xong có thể giúp cha mình làm những album nhạc, những đêm diễn riêng... Hơn cả là cùng ông nghiên cứu tìm tòi các chất liệu âm nhạc cổ của người Ê đê. Nhưng khi anh bắt đầu “đủ lông đủ cánh” để làm những điều ấy thì ông lại bất ngờ lâm trọng bệnh. Tết năm trước khi ông mất, thấy sức khỏe ông có dấu hiệu đi xuống, người thân khuyên ông nghỉ ngơi. Nhưng ông vẫn miệt mài đi kiếm cây, tìm đồ nhờ người dân trong làng cùng khuân về để dựng cái nhà sàn, cần mẫn như chuẩn bị những công việc cuối cùng cho một chuyến rong chơi mới. 

Lần ấy, biết ông không còn nhiều thời gian, mọi người bảo nhau giúp ông thực hiện mơ ước cả cuộc đời là được hát trong liveshow riêng. Trước ngày diễn ra liveshow, ông phải ngồi xe lăn, bảo Y Vol dẫn đi uống cà phê nhưng uống được một ngụm là lại nôn. Vậy mà đến khi ráp chương trình, ông đứng lên và lao vào hát say mê. Bảo ông hát nhép thôi, giữ sức cho hôm diễn thật nhưng ông lắc đầu bảo không sao, cứ để ông được hát. Tối đó, ông hồi hộp không ngủ được, quay sang tâm sự với vợ chỉ mong cầu Trời cầu Phật cho ông đủ sức hát, cho chương trình được trót lọt. Và rồi ông làm được, dù cứ hát xong, ra phía sau cánh gà là lại nôn thốc nôn tháo và phải thở bình ôxy.

Chẳng hiểu có phải do linh cảm của người sắp mất không mà Y Moan tiên liệu được cả ngày mình sẽ ra đi. Những ngày cuối đời, nắng dội như đổ lửa, ông nằm trên giường bệnh ở nhà sàn mà phải thốc cả hai chiếc quạt vào người, ông quay sang bảo với người em là “4 ngày nữa mưa đấy”. Vậy mà vừa vặn 4 ngày sau thì mưa thật, mưa tầm tã như xối nước. Ngày đó cũng là ngày ông từ giã cõi trần. Hôm di quan ông thì trời nắng to, đến lúc hạ huyệt lại mưa xối xả.

Mãi nhớ người con đại ngàn

Cách đây 10 ngày, người thân của NSND Y Moan đã làm giỗ đầu cho ông vào ngày 24-8 Âm lịch tại buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột. Theo đúng phong tục của người Ê đê, lễ giỗ được làm đúng 3 ngày, ngày đầu tiên dành cho bà con trong bản, ngày thứ hai dành cho những người thân trong gia đình và ngày cuối cùng để bạn bè gần xa cùng về thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất. Hai người bạn thân nhất của Y Moan là nhạc sĩ Nguyễn Cường và Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cùng những người yêu mến ông đã góp sức tạc bức tượng đồng chân dung ông đặt ngoài khu mộ phần để tưởng nhớ người con của đại ngàn Tây Nguyên.

Những ngày này, con trai ông Y Vol cũng đang tất bật làm nốt những công việc cuối cùng để chuẩn bị ra mắt album đầu tay cho cha mình vào đầu tháng 10 này và làm một liveshow tưởng nhớ ông vào giữa tháng 11 tới. Đêm liveshow này sẽ diễn ra ở Cung Quần ngựa (Hà Nội) và trong đêm diễn đó, những kỷ vật gắn bó với ông như chiếc đàn guitar gỗ, chiếc áo dân tộc mà ông vẫn thường mặc khi đi diễn sẽ được bán đấu giá để gây quỹ từ thiện mang tên ông Y Moan với hoạt động đầu tiên là giúp đỡ những bệnh nhân nghèo bị mắc bệnh ung thư trong cả nước. Đó cũng là những ước nguyện còn dang dở mà lúc sống ông luôn đau đáu mà những người ở lại sẽ đồng lòng giúp ông thực hiện.