Thăng hoa cùng cảm xúc về... trâu

ANTĐ - “Dụ dỗ” mấy lần nhưng lần nào cũng bị Nguyên “trâu” từ chối thẳng thừng, rằng cà phê thì rất sẵn lòng nhưng còn phỏng vấn để viết bài thì không! Thế rồi phải chờ hơi lâu để có được cái gật đầu đồng ý của gã qua… tin nhắn điện thoại. Sớm ấy, gã đạp xe đến chỗ hẹn và dắt theo... con chó. 

Thăng hoa cùng cảm xúc về... trâu ảnh 1Những tác phẩm độc đáo của họa sỹ Nguyên “trâu”

 Yêu chó, vẽ trâu và... làm nước mắm

Chỗ hẹn là một quán cà phê cách nhà gã chừng vài chục bước, sát mép nước hồ Tây, chênh chếch cổng đình Yên Phụ, nơi có hai con sư tử đá kiểu Tàu mặt mày dữ tợn. Nghe đồn rằng, lần nào đi ngang qua, Nguyên “trâu” cũng lườm hai con sư tử ấy đến “cháy mặt cháy mày”. Phàm đã là lời đồn thì lúc đúng lúc sai, nhưng với Nguyên “trâu” thì tôi tin thật. Tính gã thẳng như ruột ngựa, có gì nói đấy, không vòng vèo ướm thử chặn trước chặn sau, chuẩn tạng người yêu thì nồng nàn mà căm thù thì sâu sắc. Ghét ai là không ngồi cùng mâm, không thèm nhìn mặt, huống hồ hai con sư tử không liên quan đến lịch sử mỹ thuật nước nhà.

Lại nói chuyện ở hàng cà phê bữa ấy. Gã cẩn thận xích chó vào một gốc cây, vuốt ve nó một hồi rồi bảo: “Đấy, đã ra khỏi nhà rồi mà nó cứ đòi đi theo, cứ gầm rú lên, đành phải quay về dắt đi”. Con chó mà gã đang hết lòng cưng nựng là giống chó Phú Quốc, chân cao và eo thon, lưng có xoáy. Trong giới văn nghệ sĩ, chẳng ai lạ gì Nguyên “trâu” với sở thích nuôi chó. Gã thích chó đơn giản vì… thích nhưng cũng có người bảo rằng, ấy là vì gã sợ ma, phải nuôi chó cho đỡ...sợ. Đã từng có thời điểm, gã đọc đủ các loại sách liên quan đến chó, tóm lại là gã nghiên cứu sâu về chó, rồi ròng rã mấy năm liền ngược xuôi Tây Bắc, tìm cho bằng được giống chó Lài quý hiếm “đốm lưỡi, huyền đề”.  

Nghe kể, dạo này gã còn tự làm cả nước mắm. Sân thượng rộng, gã khuân về mấy cái chum to. Học cách làm nước mắm theo kiểu truyền thống, mua cá cơm từ Quy Nhơn, rồi ướp muối theo đúng tỷ lệ và nén thật chặt. Vậy là các kiểu quảng cáo nước mắm trên truyền hình, dù có hấp dẫn đến đâu cũng khó lòng “móc túi” gã. Nước mắm hiệu “Nguyên Trâu” nghe đồn rất ngon, đâu như có vài người đã được thưởng thức, đứng đầu danh sách là họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Thụy Kha, nhà văn Ngô Thảo, họa sĩ Thành Chương rồi nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Không làm họa sĩ nhất định sẽ viết văn

Gã khẳng định thế! Hóa ra ngày bé, gã từng là “gà nòi” được trường lựa chọn đi thi học sinh giỏi văn. Trông xù xì gai góc nhưng cứ ngã vào thơ là gã mong manh cực kỳ. Bài văn được 9,5 điểm hồi đó gã bình  “Mưa” của Trần Đăng Khoa. Khi bình đến câu “Bố đi cày về. Đội sấm đội chớp. Đội cả trời mưa”, gã khóc nhòa trang giấy. Mấy chục năm rồi, giờ kể lại, gã vẫn rơm rớm nước mắt bởi: “Có hình ảnh bố mẹ mình trong đó…”. Năm 23 tuổi, gã làm bài thơ đầu tiên của cuộc đời. Bài thơ là sự ám ảnh của một đôi mắt buồn, đôi mắt của cô bé ăn xin. Hồi đó gã nghèo, đang làm công nhân cơ khí, chả có nhiều tiền mà cho, bèn chạy vào nhà xúc trộm gạo của mẹ, rồi vét cả những đồng tiền lẻ cuối cùng trong túi đưa cô bé. Cô bé ngước lên nhìn gã rồi vụt chạy, như là sợ gã đổi ý. Rồi gã vẽ về cô bé, vẽ chưa đủ, một bài thơ đầy ám ảnh ra đời. Và đó được xem như dấu mốc quan trọng của cuộc đời cầm cọ sau này của gã. Giờ gã vẫn làm thơ, ý tứ đều bắt nguồn từ hội họa. 

Đùa gã, hay là in tập thơ đi, gã giãy nảy như đỉa phải vôi: "Không, có chết cũng không!". Hỏi gã, trên kệ sách dạo này có cuốn nào hay, gã liền đọc tên từng tác phẩm, phân tích hay dở, điểm mạnh điểm yếu của từng tác phẩm, rồi chốt: "Đấy, tiểu thuyết nó phải như thế chứ" hoặc "Văn chương như thế thì in làm gì, tốn giấy". Nghe gã bình văn, tôi đồ rằng, nếu không quyến luyến với đàn trâu và những con rối gỗ, gã đi làm nhà phê bình văn học cũng rất thành. Bông đùa với gã thì nói thế thôi chứ gã sinh ra để làm nghệ thuật, để gắn bó với danh xưng họa sĩ, cả nhà gã không ai theo nghiệp vẽ vời mà đều làm nhà giáo, chỉn chu và mực thước. Năm 1987, gã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đầu quân về Nhà hát múa rối Trung ương rồi ở đó cho đến mãi tận bây giờ.

Gã tên thật là Lê Đình Nguyên. Ngày bé bị gọi Nguyên “dế”. Lớn lên đi làm thì mọi người gọi là Nguyên “rối”, rồi lại Nguyên “trâu”. Hỏi gã tên nào hợp hơn, gã xuề xòa, gọi thế nào mà chẳng được. Cái tên Nguyên “rối” thì hẳn rồi, còn Nguyên “trâu”mới được mấy năm, kể từ cái dạo gã ra mắt triển lãm cá nhân “Trâu Nguyên” năm 2010 tại 39 Lý Quốc Sư- Hà Nội. Một triển lãm thú vị, hình ảnh con trâu bao trùm toàn bộ không gian. Quái lạ, gã nhìn đâu cũng ra trâu, từ trâu lá đa, đến trâu phố, rồi trâu cầu, trâu cối, trâu giậm, trâu nhà, trâu tình, trâu đàn… và bây giờ thì gã đang hoàn thiện những tác phẩm trâu khác cho triển lãm cá nhân tới đây và cả một triển lãm chung với mấy họa sĩ thân thiết trung tuần tháng 11 này… Con trâu qua bàn tay cách điệu của gã đậm chất dân gian của đồng bằng Bắc bộ, sống động, tinh nghịch, thăng hoa và phồn thực. Nghe đồn, những lúc cảm xúc dâng trào, lão nhìn đâu cũng thấy trâu. Bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau, đến nhìn phụ nữ gã cũng tưởng tượng ra… trâu. 

Không hiểu sao cứ thấy gã là tôi lại nghĩ, gã phải là người dân tộc Mông mới đúng, bởi mặt gã phảng phất những nét của đàn ông trên cao nguyên đá Đồng Văn.  Dù cho gã đạp xe địa hình Giant màu đỏ, đội mũ lưỡi trai hiệu Armani và dắt theo chó Phú Quốc chứ không phải tay xách lồng chim, vai đeo khèn, mũ nồi đội lệch đi chơi chợ. Thấy tôi bảo vậy, gã cười lớn gật đầu công nhận. Hóa ra gã hâm mộ cái nết chiều chồng của những người phụ nữ cùng sự quyết đoán của những người đàn ông nơi miền đá. Và vì thế, rảnh rang là gã “xách ba lô lên và đi”. Vẫn lại nghe đồn rằng, xe chỉ mới đi đến Hòa Bình là gã đã thấy trong người có tiếng khèn réo rắt, gã thăng hoa, muốn nhảy nhót, muốn vẽ, và trước mắt gã là đàn trâu với đủ màu sắc, đủ tư thế dáng điệu. Có lẽ vì thế mà nguồn cảm xúc, sức sáng tạo nghệ thuật của gã chưa bao giờ vơi cạn.