Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh:

Số phận cuốn sách gắn với cuộc đời làm báo

ANTĐ - “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm duy nhất của thể loại văn xuôi được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng Văn học năm 2014” với số phiếu bầu tuyệt đối. Một cuốn sách ban đầu được xem là “nặng nề”, nhưng hóa ra lại hấp dẫn bạn đọc từ những trang đầu tiên. Cuốn sách lần đầu ra mắt vào tháng 4-2014, đến nay đã tái bản đến lần thứ hai với diện mạo mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả Trần Mai Hạnh về cuốn sách cũng như chuyện đời, chuyện nghề của ông.  

Lịch sử luôn có sức hấp dẫn

- PV: Thưa ông, tính chính xác của những tài liệu trong “Biên bản chiến tranh      1-2-3-4.75” là không thể phủ nhận. Nhưng làm thế nào để giữ được tính chính xác của lịch sử mà vẫn đảm bảo tính văn chương của tác phẩm?

- Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Khối lượng tài liệu thu thập được dù có kỳ công và quý giá đến đâu, nhưng nếu viết dưới dạng ký sự, ghi chép báo chí thì sẽ không hấp dẫn và không thể có chỗ đứng lâu dài trong lòng bạn đọc. Ngắn gọn-tốc độ-hành động trong đầy ắp các sự kiện, sự việc, cảnh ngộ là tiêu chí tôi chọn lựa để thể hiện tác phẩm. Đó cũng là cơ sở làm nên tính văn chương của cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này.

Số phận cuốn sách gắn với cuộc đời làm báo ảnh 1

Tôi mong muốn tác phẩm có giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị về sự thật lịch sử. Bởi khi đã xác định là tiểu thuyết tư liệu lịch sử thì sự thật lịch sử, tính trung thực, khách quan, không áp đặt của ngòi bút khi tái hiện các sự kiện, sự việc cũng như con người cụ thể phải được đặt lên hàng đầu. Nếu tưởng tượng, hư cấu đến mức người đọc không còn tin những sự kiện, sự việc và cả những tình tiết mà tác giả phản ánh, diễn đạt và cho rằng đó là bịa đặt, là xuyên tạc lịch sử thì tác phẩm sẽ thất bại.

-  Ông có thể chia sẻ về sự khắc phục khó khăn của phóng viên chiến trường trong quá trình tác nghiệp?

- Cả nghìn cây số dọc đường chiến tranh bom rơi đạn nổ, bao hiểm nguy rình rập, bao tình huống tưởng không thể khắc phục được. Chúng tôi đã từng chạy bộ đẩy xe cả chục cây số giữa trời trưa nắng như đổ lửa để giúp lái xe vượt qua những trảng cát ngút ngàn. Chúng tôi đã từng vào làng mượn thuyền của dân, buộc ghép hai thuyền lại thành chiếc phà tự tạo, cho ô tô bò lên rồi bơi đẩy cả thuyền và xe chòng chành vượt sông khi cầu bị địch phá hủy. Chỉ cần sơ sẩy một chút, xe lăn xuống chìm nghỉm dưới sông thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi từng hút chết giữa đêm trên “đường 7B kinh hoàng” ngổn ngang xác địch từ Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng, khi quả bom sót lại bên đường phát nổ, khói bụi trùm lên tất cả… 

- Là một nhà báo, nhà văn, theo ông có mối liên quan nào giữa hai nghề này?

- Nghề báo và nghề văn khác nhau, tư duy viết báo và viết văn khác hẳn nhau. Nhưng hai nghề này có mối liên quan, hỗ trợ tích cực cho nhau. Một người làm báo mà có khả năng văn chương thì sẽ thể hiện tác phẩm báo chí của mình thanh thoát, mềm mại, có hình tượng, gợi cảm và dễ đi vào lòng người hơn. Khi có những sự việc, một tác phẩm báo chí không thể truyền tải hết thì người làm báo có khả năng văn chương sẽ dễ dàng chọn lựa một thể loại văn học để diễn đạt nó.

Số phận cuốn sách gắn với cuộc đời làm báo ảnh 2

Ngược lại một nhà văn mà có thêm phẩm chất của nhà báo thì sẽ dễ dàng xâm nhập thực tế, thu thập tài liệu cặn kẽ, đầy đủ hơn. Khi nảy sinh ý định xây dựng một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, thì với tư cách và danh nghĩa của một nhà báo, tôi mới kỳ công sưu tầm, tập hợp được một khối lượng lớn các tài liệu nguyên bản của phía bên kia. Và khi đã tập hợp đầy đủ rồi thì với sự tưởng tượng của một nhà văn, tôi đã tái tạo và phục dựng lại trong khuôn khổ một tác phẩm văn học.

Cuộc đời sóng gió

- Ông đã từng chia sẻ, số phận cuốn sách gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của ông. Vậy ông cảm nhận cuộc sống của mình đã thay đổi thế nào?

- 40 năm trôi qua với tôi, không chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc huy hoàng được chứng kiến, mà còn có cả những “tai họa”, những ngang trái và những bi thảm tột cùng phải gánh chịu. Trong những thời điểm khắc nghiệt của số phận, chính bản lĩnh của một phóng viên chiến trường, đã từng đối mặt với đầy rẫy những hiểm nguy đã giúp tôi bình tâm lại, để từ đó tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về chính con người mình, về lý tưởng, để tiếp tục sống, tiếp tục làm những việc có ý nghĩa trong cuộc đời này. Tôi đã viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” cả trong những giờ phút đắng cay nhất của số phận.

- Sự kiện càng lùi vào quá khứ thì việc nhìn nhận lại nó càng có sức hấp dẫn. Vậy theo ông, làm thế nào để lịch sử hào hùng của dân tộc luôn có sức hấp dẫn với thế hệ trẻ?

- Câu hỏi này quá lớn và vượt khỏi phận sự của tôi. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật ấn hành lần đầu vào tháng   4-2014. Tháng 4-2015, sách được tái bản có bổ sung và chỉ vài ngày sau khi phát hành đã được in nối bản 2 lần với số lượng lớn. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đọc dài kỳ cả tháng trời tác phẩm này.

Một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử gần 600 trang được bạn đọc, trong đó có đông đảo bạn đọc trẻ đón nhận, đã nói lên rằng lịch sử hào hùng của dân tộc luôn có sức hấp dẫn với thế hệ trẻ hôm nay. Chỉ có điều, lịch sử đó được thể hiện trong các tác phẩm (kể cả sách giáo khoa) như thế nào và được chuyển tải tới bạn đọc bằng hình thức nào, chất lượng như thế nào – khô cứng hay sinh động, hấp dẫn mà thôi...

- Ở tuổi 72, hiện ông có ấp ủ tác phẩm nào không?

- Cuốn sách mà tôi dành nhiều tâm sức và quan trọng nhất với tôi vẫn chưa hoàn thành. Cái quan trọng nhất của nhà văn là tác phẩm. Tác phẩm đó có viết ra được hay không, chất lượng ra sao, bạn đọc đón nhận nó thế nào chứ không phải là lời tuyên bố về những tác phẩm trong tương lai của mình.

- Như ông tâm sự trong Lời tác giả, mở đầu cuốn sách, những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Vậy có điều gì làm ông hối tiếc? Ông có hài lòng với những gì mình đã làm được?

- Mỗi người tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Tôi không có điều gì phải hối tiếc, nhưng tôi chưa thật sự hài lòng về những điều mình đã làm được. Với thời gian, sự thật rồi sẽ sáng tỏ. Tôi tin ở điều đó. Sự thật là tài sản quý giá nhất. José Hérnandez, nhà thơ lớn của Argentina nói rằng; “Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”. Điều đó hàm ý sâu xa rằng, sự thật dù có bé nhỏ, mảnh mai như một sợi tóc cũng không dễ xóa bỏ.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!