NSƯT Thúy Mùi: “Lên đồng” với những chiếu chèo

ANTĐ - Lúc nào cũng thấy NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội bận, khi thì dựng vở, đưa đoàn đi diễn, lúc thì về các trường phổ thông trò chuyện với học sinh về nghệ thuật truyền thống, rồi lên kế hoạch cho những đêm diễn phục vụ khách du lịch…

NSƯT Thúy Mùi: “Lên đồng” với những chiếu chèo ảnh 1Vở chèo Vương nữ Mê Linh do NSƯT Thúy Mùi đạo diễn giành HCV cùng giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013

Những đêm chèo lộng lẫy

Bận rộn như thế vì trong người nghệ sĩ ấy luôn cháy bỏng khát vọng về những đêm chèo lộng lẫy. Với chị, chèo Hà Nội không thể dừng lại ở những chiếu chèo đơn giản mà phải ngày một lộng lẫy, hiện đại. Thế nên, chị đã mạnh dạn đầu tư những vở chèo tiền tỷ như “Oan khuất một thời” (2009) và “Vương nữ Mê Linh” (2013). Thúy Mùi đã gọi những đầu tư lớn này là những “cơn say” của chị với một sân khấu chèo vì mong ước: “Chèo phải bắt kịp thời đại”. Tất cả là sự tái hiện đầy đủ, chính xác, tinh tế và hoành tráng với những trang phục người Việt trong bao sắc màu lung linh, kỳ bí mà rất đặc trưng trong từng giai đoạn lịch sử chứ không phải trang phục thời nào cũng giống thời nào. Và cả những vũ điệu trong từng vở diễn, đã đến lúc không thể coi múa chỉ là minh họa mà phải là một lớp diễn có tính nghệ thuật cao của các vũ công lành nghề… Chẳng thế mà với vở “Oan khuất một thời” (đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) không chỉ khán giả Hà Nội được chìm đắm trong không gian nghệ thuật chèo mới lạ, hiện đại mà vẫn đậm chất cổ được đan cài tinh tế trong từng lớp diễn mà khi vào TP.HCM, nhà hát Thành phố luôn chật kín trong sự ngạc nhiên của khán giả.

Riêng với vở “Vương nữ Mê Linh” do Thúy Mùi đạo diễn, chị làm việc mê đắm hệt như “lên đồng”. Trong suốt những tháng ngày làm vở khi đắm chìm trong câu chuyện Trưng Trắc, Trưng Nhị để làm sao khắc họa được hai vị nữ tướng của dân tộc trên sân khấu chèo hiện đại. Vở diễn đã giành Huy chương Vàng cùng giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. NSƯT Mai Hương - người bạn thân thiết của Thúy Mùi kể: “Gần như một cuộc xả thân của Thúy Mùi trong suốt 3 tháng với “Vương nữ Mê Linh”. Cô ấy thường xuyên chân đất, tóc búi lên sân khấu. Mỗi lớp, mỗi cảnh được cô ấy trau chuốt kỹ càng. Còn chuyện thiết kế trang phục thì cầu kỳ, kỹ lưỡng đến Sỹ Hoàng cũng phải nể!”.

Đam mê không ngừng

Bắt đầu từ năm 2015, Thúy Mùi khai trương chương trình nghệ thuật đặc sắc dành riêng cho khách du lịch: “Long Thành diễn xướng” vào các ngày trong tuần, tại rạp 15 Nguyễn Đình Chiểu. Có thể thấy, “Long Thành diễn xướng” được Thúy Mùi xây dựng khá lạ lẫm. Đấy là cùng với màn múa “Hứng dừa”, hát xẩm “Lấy phải chồng già”, chầu văn “Cô bé thượng ngàn”, trích đoạn chèo cổ “Thị Mầu lên chùa” thì khán giả đã phải ngỡ ngàng khi thấy Thúy Mùi táo bạo cải tạo lại sân khấu, “biến hóa” không gian vốn dành riêng cho những đêm diễn chèo thành không gian nghệ thuật kết hợp giữa diễn xướng dân gian với múa rối nước, gồm các trò như Tễu - giáo trò, Cấy cày nông nghiệp, Loan phượng, Tứ linh... Thế nhưng, chị vẫn chưa hài lòng khi chia sẻ rằng còn phải đầu tư nhiều hơn nữa để không gian ấy thực sự lung linh, các trò diễn thực sự ấn tượng, thu hút khách du lịch và nhất là để “địa chỉ 15 Nguyễn Đình Chiểu dập dìu khách du lịch” - Thúy Mùi nói.  

Nhìn lại chặng đường đã qua với Thúy Mùi - người con gái Ninh Bình, chị đã không chỉ để lại dấu ấn ở một số vai đào thương như Ỷ Lan trong “Lý Thường Kiệt”, nàng Mai trong “Người Thiên Đô” mà còn ghi danh sang hề chèo với vai Mẹ Đốp trong “Quan âm Thị Kính” và vai bà già ra thành phố - vai diễn giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc năm 2011. Khi được giao nhiệm vụ quản lý Nhà hát Chèo Hà Nội chị đã không chỉ đảm bảo được đời sống cho nghệ sĩ, cán bộ của nhà hát bằng các suất diễn quanh năm mà còn không ngừng nỗ lực đưa chèo đến với khán giả bằng dự án sân khấu học đường đến các trường phổ thông ở Hà Nội cũng như những đợt biểu diễn nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Rằm Trung thu. Bằng cách ấy, vừa về các trường trò chuyện với các em học sinh các tích chèo, Thúy Mùi vừa khéo kéo các em đến rạp nghe truyện cổ tích như “Thạch Sanh”, “Cây khế”… bằng chèo. Trong các vở diễn chị còn mời cả NSƯT Minh Vượng cộng tác. Mắt lúng liếng khi ngày mỗi ngày thêm thắm với chèo, NSƯT Thúy Mùi nhỏ nhẹ nói: “Phải bằng mọi cách để trẻ thơ yêu thích chèo. Có như thế thì chèo mới được gìn giữ và phát triển”.