NSƯT Đức Long: “Cứ âm thầm tận tụy, không sợ bị lãng quên”

ANTĐ - Ngoài 50 tuổi, NSƯT Đức Long quyết định làm liveshow đầu tiên vào tối 26-10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh nói đây cũng có thể là liveshow duy nhất trong đời ca hát của mình. Giọng ca được mến mộ từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã trải lòng cùng phóng viên Báo ANTĐ về chuyện đời, chuyện nghề.
NSƯT Đức Long: “Cứ âm thầm tận tụy, không sợ bị lãng quên” ảnh 1

Luôn hết lòng với khán giả...

- Từ lâu rồi anh từng thổ lộ vẫn mơ có một đêm nhạc của riêng mình. Tại sao đến tận bây giờ, sau 35 năm đi hát, anh mới thực hiện ước mơ đó?

- Thật ra cũng có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện này rồi nhưng thời điểm thực hiện lại chưa thích hợp, do tôi bận công tác và phải làm nhiều thứ khác nữa. Vả lại tôi nghĩ có nhiều người cố gắng làm liveshow để đánh bóng tên tuổi, việc này với tôi thật ra lại không cần thiết, vì có “đánh bóng” thì mình cũng không thể nổi tiếng hơn được nữa (cười). 

- Ở tuổi này mới làm liveshow đầu tiên, anh có hồi hộp không?

- Hồi hộp thì không nhưng cũng lo lắng lắm. Tôi lo không biết mình có đủ sức đáp lại lòng yêu mến mà khán giả đã dành cho mình hay không. Cái đấy mới là cái khó. Nhưng tôi đã chuẩn bị sức để có thể hát tặng mọi người từ 23 đến 25 ca khúc.

- Anh cứ như “ẩn sĩ” vậy, cứ lặng lẽ dạy học, âm thầm đi hát trong khi bạn bè nghệ sĩ cùng thời miệt mài “chạy sô” khắp các sân khấu lớn nhỏ. Vì sao thế? 

 - Tôi vẫn nghĩ cần phải chọn lọc kỹ càng chỗ nào thì nên hay không nên xuất hiện. Tôi cũng chỉ hát trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các dịp lễ lớn. Còn các chương trình mang tính giải trí, đứng với các bạn trẻ tôi tự thấy mình “lệch” nên không muốn tham gia. Thật ra bất kể chỗ nào mọi người cần, tôi đều sẵn lòng hát. Để mọi người được thưởng thức nghệ thuật thật sự và đúng nghĩa, tôi chưa bao giờ từ chối tham gia bất kể đó là chương trình lớn hay nhỏ. Nhưng hát trong các chương trình giải trí thì tôi thấy mình “lệch” thật.

- Anh không sợ ít xuất hiện rồi mọi người sẽ quên mất mình sao?

- Bạn đã bao giờ quên bản nhạc nào của Beethoven hay Chopin mà bạn yêu thích chưa? Nói vui vậy thôi chứ tôi nghĩ một khi mình đã lao động nghệ thuật nghiêm túc thì sẽ chẳng ai quên mình cả. Tôi luôn lao động hết mình với nghệ thuật và hết lòng với khán giả. Tôi vẫn nghĩ chỉ có làm hời hợt thì mới sợ người khác quên chứ mình tận tụy thì không sợ. Ví như đoạn phố mà chúng ta ở có cô lao công ngày ngày tận tụy đi quét rác, hình ảnh đó dù đi xa đến mấy, dù ở đâu chúng ta cũng khó lòng quên được. 

- Cũng bởi cách nghĩ ấy mà nhiều người ví anh như “ông cụ” ở cả trong âm nhạc lẫn ngoài đời, anh có chạnh lòng không?

- Thôi thì muốn gọi tôi thế nào cũng được, tôi không chạnh lòng đâu, miễn là công việc tôi luôn hoàn thành và được mọi người yêu mến. Mỗi lần tôi hát và xuất hiện trên sân khấu, thấy mọi người vẫn yêu mến mình, thì gọi tôi là… ông gì cũng được (cười).

Vẫn đi về lẻ bóng…

- Anh từng nói người nghệ sỹ chân chính thì phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có cả sự hy sinh về vật chất. Đến bây giờ, suy nghĩ đó trong anh có thay đổi không?

- Không đâu, tôi vẫn nghĩ thế thôi. Tôi thuộc tuýp người cổ, đã đứng được chỗ nào thì cứ đứng nguyên một chỗ, chỉ có làm cho nó vững chãi hơn chứ không thể bước dịch thêm dù chỉ là một bước sang ngang. 

- Vậy hỏi thật nhé, âm nhạc đến bây giờ có nuôi sống được anh không?

- Nuôi sống theo đúng nghĩa thì với tôi như thế là đủ. Còn mỗi người hiểu một cách khác nhau. Âm nhạc cho tôi công việc, nhờ nó mà tôi kiếm ra tiền đủ để nuôi sống mình, không đến nỗi phải chạy ngược chạy xuôi. Với tôi, vậy là đủ rồi.

- Hình như sau đổ vỡ từ cuộc hôn nhân đầu tiên, anh vẫn đi về lẻ bóng?

- Tôi vẫn một mình nhưng xung quanh tôi lại có rất nhiều niềm vui khác. Tôi tìm thấy hạnh phúc trong việc truyền nghề, dạy dỗ và hướng dẫn lớp trẻ. Cuộc sống hiện tại của tôi rất ổn định, rất vui. 

- Có khi nào anh nghĩ vì bước lên con thuyền ca hát nên cuộc đời mình mới lênh đênh không?

- Không phải đâu. Tôi nghĩ đó là cái số rồi. Giày dép còn có số mà, con người cũng vậy. Tôi chỉ nghĩ đã đứng ở chỗ nào, thì dù có lênh đênh hay không, điều quan trọng là cố gắng đứng vững để nó không bị lật. Còn nếu chọn lại, tôi vẫn chọn con đường ca hát.

- Nghe nói cũng có lúc anh định rời xa Hà Nội?

- Tôi sinh ra ở Quảng Ninh nhưng lập nghiệp ở Hà Nội và gắn bó với mảnh đất này suốt chặng đường ca hát. Đúng là đã từng có lúc tôi nghĩ mình phải rời bỏ Hà Nội đi tìm mảnh đất khác để sống nhưng rồi không chịu nổi và phải quay về. Thế mới thấy mình yêu Hà Nội đến nhường nào, không chỉ vì nơi đây đã cho tôi công việc, sự nghiệp, bạn bè và tình yêu của khán giả. Trong suốt chặng đường ca hát 35 năm qua, kỷ niệm đặc biệt làm tôi  nhớ mãi đến bây giờ cũng là một kỷ niệm liên quan đến Hà Nội.

- Anh có thể chia sẻ kỷ niệm đó không?

- Đó là năm 1995, khi tôi sang Nga biểu diễn nhân dịp Quốc khánh nước mình. Lần đó giữa khán phòng hơn 2.000 khán giả ở Matxcơva, tôi hát bài “Hà Nội và tôi”. Tất cả khán giả khi ấy đều bật khóc. Tôi cũng khóc. Sau này nhiều người “trách” chỉ vì nghe tôi hát bài này mà năm nào cũng phải tìm về thăm Hà Nội. 

- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành!