Triển lãm “Một chuyến đi” của Trần Trọng Tri:

Những con thuyền vượt sóng gió để sinh tồn

ANTĐ - Thuyền, không chỉ một hay hai mà gần một chục con thuyền đủ mọi chất liệu chiếm lĩnh cả một căn phòng. Nếu không trực tiếp nghe nhà điêu khắc Trần Trọng Tri kể về những dụng ý nghệ thuật đằng sau những đứa con tinh thần ấy, rất có thể sẽ nhầm anh là thợ… đóng thuyền. 

Những con thuyền vượt sóng gió để sinh tồn ảnh 1Chiếc thuyền là hình ảnh gần gũi, gợi nhiều cảm xúc với người dân Việt Nam 

Đưa thuyền lên cạn

Ít ai biết Trần Trọng Tri đã phải nhặt nhạnh, tìm kiếm những nguyên liệu, tái chế để biến hóa chúng thành những con thuyền thực sự. Khi thì là mùn cưa từ những xưởng mộc, khi thì tận dụng cả quần áo cũ, giấy báo bỏ đi của gia đình để tạo tác. Quá trình thai nghén và biến ý tưởng thành hình dạng phải mất đến 2 năm. Cứ khi nào có hình ảnh chợt nảy đến trong đầu, anh lại bắt tay vào thực hiện, cứ như bị ám ảnh, thôi miên. 

Những chiếc thuyền được treo bằng dây thừng, ròng rọc, khiến người xem liên tưởng đến những chiếc thuyền cứu hộ  treo trên mạn tàu lớn được thả xuống trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, chúng lại được cấu tạo bởi những chất liệu dễ tan trong nước, từ bột giấy, giấy báo, mùn cưa…, hoặc nếu bằng gỗ thì cũng được chắp, được đóng hờ hững. Ý tưởng này bắt nguồn từ hình tượng những người tù vượt biển. Bằng tất cả những vật liệu tự nhiên, họ tự tay làm nên một con thuyền. Nhưng ngay cả khi đã có thuyền, thì cũng không có gì đảm bảo cho cuộc sống, tính mạng của họ. Nó gợi nhắc cho con người cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị cuộc sống, cuộc đấu tranh với tự nhiên, vượt sóng gió để sinh tồn. 

Nhật ký hành trình tâm thức 

Nhưng dù được đóng với kích cỡ như thật hay hình tượng hóa, những chiếc thuyền của Trần Trọng Tri đều thể hiện một khía cạnh trong chiều sâu lịch sử - văn hóa. Hai chiếc thuyền bằng khối composite trong suốt, đỏ hồng được ghép từ một trăm quả trứng bằng nhựa có gắn ánh sáng được khởi sinh từ huyền tích Âu Cơ trăm trứng nở trăm con. Hay ở trong tổ hợp tác phẩm “Đường xa”, những dấu chân đi mãi, đi mãi theo dặm dài đất nước. Thuyền và nước, đó là những vật thể rất gần gũi, đầy ý nghĩa. Nó chứa đựng, chuyên chở, gợi mở những điều lớn lao về tình yêu, về sự chìm nổi, sự sinh tồn, về niềm tin và hy vọng. Tái hiện cặp hình tượng này bằng những tác phẩm của mình, anh mong muốn mỗi người xem tự cảm nhận, khám phá hành trình của bản thân, nhưng cũng ghi lại nhật ký hành trình tâm thức của chính mình, trong những năm tháng miệt mài đi tìm sáng tạo trong nghệ thuật. 

Không ngại thử sức với các chất liệu mới, nhưng Trần Trọng Tri xác định sẽ vẫn trung thành với đề tài phổ quát, mang ý nghĩa lớn lao về Tổ quốc, về đất nước. Chia sẻ về điều này, Trần Trọng Tri cho biết, đây là mảnh đất giàu có, nhưng cũng đầy thử thách đối với người sáng tác như anh. Bởi đã làm nghệ thuật, anh coi mình chính là kẻ vượt biển trên những con thuyền, càng khó khăn, thử thách thì càng mạnh mẽ. 

Triển lãm “Một chuyến đi” của Trần Trọng Tri mở cửa từ ngày 23 đến 29-3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).