Những bức ảnh được đổi bằng máu và nước mắt

ANTĐ - Tròn 40 năm thống nhất đất nước, phóng viên chiến trường kỳ cựu của TTXVN- nhà báo Đinh Quang Thành sẽ có cuộc triển lãm ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Các bức ảnh của ông sẽ kết lại thành một câu chuyện đầy hào sảng và quật cường về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Những bức ảnh được đổi bằng máu và nước mắt ảnh 1Người dân Sài Gòn chào đón đoàn quân giải phóng

“Bản giao hưởng” vút cao

Lựa chọn từ kho ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, NSNA Đinh Quang Thành sẽ dùng 90 bức ảnh tư liệu để viết nên câu chuyện về mùa xuân đại thắng. Bên cạnh những bức ảnh đã gắn liền với tên tuổi của mình trong suốt 40 năm qua, ông cũng sẽ lần đầu tiên công bố nhiều bức ảnh quý giá. Các tác phẩm ấy sẽ xâu chuỗi những chi tiết từ cuộc chiến để hình thành nên “bản giao hưởng” cao vút của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Người xem sẽ gặp lại hình ảnh của anh lính cụ Hồ, đầu đội mũ cối, tay cầm súng băng qua làn đạn, hình ảnh của những đoàn xe tăng rầm rập tiến về Sài Gòn. Những bức ảnh  không có âm thanh, không có kỹ xảo nhưng sức mạnh của tính chân thật vẫn giúp người xem cảm nhận được khí thế quyết chiến quyết thắng. 

Ở một góc khác, các bức ảnh báo chí của NSNA Đinh Quang Thành còn ghi lại gương mặt thất thần của những người lính Việt Nam Cộng hòa ngồi lặng bên bờ biển. Đặc biệt, tại cuộc triển lãm, một phần của câu chuyện lịch sử do NSNA Đinh Quang Thành viết nên sẽ tái hiện niềm hân hoan chào đón đoàn quân giải phóng của người dân Sài Gòn. 

Những bức ảnh được đổi bằng máu và nước mắt ảnh 2Nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đã có mặt đúng vào thời khắc quân giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất 

Ký ức mùa xuân đại thắng

Khi có mặt tại Sài Gòn cùng đoàn xe tăng thẳng tiến vào nội thành, NSNA Đinh Quang Thành đã ghi lại những bức ảnh đặc biệt có giá trị về tình cảm quân dân thắm thiết. Để có được các hình ảnh nóng bỏng thời sự ấy, ông đã nhảy từ xe tăng xuống đường phố và lập tức bị những người dân hai bên đường vây quanh. Trong những bức ảnh được ghi lại vào thời khắc đó, người dúi vào túi ông gói kẹo, người chạy lại tặng hoa, người xa hơn thì vẫy chào trong ánh mắt hân hoan… Khoảnh khắc này cũng được một người đồng nghiệp cùng đi với NSNA Đinh Quang Thành ghi lại và sẽ có trong triển lãm lần này. Một câu chuyện khác rất thú vị đã được nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ, đó là ngay khi quân giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, ông đã được một cậu thanh niên Sài Gòn hỏi đổi chiếc đồng hồ lấy tờ tiền có in hình Bác Hồ để về khoe với gia đình hình ảnh của người cha già dân tộc Việt Nam. Dĩ nhiên, không có cuộc đổi chác nào diễn ra mà ông đã tặng cậu thanh niên này một tờ giấy bạc làm kỷ niệm. Cảm ơn anh Giải phóng quân, cậu thanh niên này đã đưa ông đến sân bay Tân Sơn Nhất đúng vào thời khắc căn cứ này thất thủ. Nhờ đó, nhà nhiếp ảnh đã có được những bức ảnh đi cùng thời gian và làm nên tên tuổi Đinh Quang Thành. 

Còn rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh khác ghi trọn thời khắc lịch sử vẻ vang ấy. Ông muốn thế hệ sinh ra sau chiến tranh khi xem các bức ảnh sẽ hiểu hơn về giá trị của hòa bình đã được đổi bằng máu xương của thế hệ đi trước, để sống và làm việc xứng đáng với những người đã ngã xuống cho non sông liền một dải. Với nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành,  ông đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu để làm nên những khuôn hình sống động và đầy giá trị.  Từng nhiều lần vượt qua lằn ranh của sự sống và cái chết, nhưng việc được góp mặt trong đoàn quân giải phóng, theo bước chân thần tốc của những người lính cụ Hồ tiến về Sài Gòn, ông luôn coi đó là vinh dự gắn liền với trách nhiệm lớn lao và là dịp may hiếm có trong cuộc đời mỗi người cầm máy.