Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: “Hát trong làn khói đạn”

ANTĐ - Trương Quốc Khánh (còn được gọi là Sáu Trung) nổi lên như một ngôi sao sáng trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn (cũ). Người mang tiếng hát để “đốt tim muôn người” dù đã đi xa hơn mười năm rồi, nhưng những gì ông để lại, còn mãi...

Ca khúc “Tự nguyện” đã làm nên tên tuổi Trương Quốc Khánh

Những người biết... ăn khoẻ

Tôi biết Trương Quốc Khánh từ năm 1974. Hồi đó Hội Nhà văn Việt Nam liên tục mở các khoá ngắn hạn (6 tháng) để bồi dưỡng cho những tài năng trẻ, gọi là “Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ” bắt đầu từ năm 1960. Có thể nói, hầu hết các nhà văn nổi tiếng sau này, đều từ cái “lò” viết văn trẻ này ra. Chúng tôi theo học khoá 7 (1974 – 1975) không ngờ lại là khoá cuối cùng. Thời “bao cấp” gian khổ, cái gì cũng thiếu thốn. Ăn cơm tập thể, phải đóng tem phiếu. Bởi vậy mới có câu nói vui rằng, đây là Trường bồi dưỡng những người biết ăn khoẻ (hoặc ăn rất khoẻ).

Học viên của khoá chỉ trên dưới 30, đều là những anh tài từ khắp mọi miền về. Hà Nội có Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Phương Liên, Hoàng Việt Hằng, Phong Thu… Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình có Đặng Ái, Xuân Hoài, Thạch Quỳ, Vĩnh Nguyên. Các tỉnh miền núi phía Bắc có Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Triều Ân, Bùi Nguyên Khiết… Đặc biệt  có 4 học viên từ miền Nam ra, là Lê Duy Hạnh, Nguyễn Ngọc Hiến, Trương Quốc Khánh và một phụ nữ tên là Thái. Trong số 4 học viên này, chỉ có Trương Quốc Khánh (Sáu Trung) là nghịch ngợm, vui tính hơn cả.

Tiếng gà đang gáy sáng

Anh em học viên hầu hết đều thức khuya, dậy muộn, Sáu Trung cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên dù dậy muộn, vẫn còn nhiều anh em khác dậy muộn hơn. Thế là Sáu Trung liền giở “tài vặt”, chạy ra núp ở vườn cây, giả tiếng gà trống gáy. Tiếng gáy giống đến nỗi mấy bác nhà bếp vội chạy ra, ngó nghiêng, tự hỏi : “Quái! Lại có con gà trống ở đâu lạc vào đây?” Đến khi biết chuyện, họ bật cười, lẩm bẩm : “Cái thằng quỷ!”. Khi khoá học còn chưa kết thúc, thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Số học viên miền Nam lập tức trở về Nam. Phải nói là sau khi chia tay, chúng tôi mới biết Sáu Trung là tác giả bài hát nổi tiếng “Tự nguyện”, ai cũng thuộc. Nhưng cánh văn nghệ sĩ vốn thích cái trò “bới lông tìm vết” nên có người bình lời của bài hát thế này: Nếu là chim, thành bồ câu trắng. Được rồi! Là mây, làm vầng mây ấm. Rất ấn tượng. Làm hoa, là hướng dương. Hay lắm! Nhưng đến khi làm người, thì lại… chết(!) Sao phải khổ thế? Tại sao không phải là sống cho quê hương mà lại chết cho quê hương? Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có nhiều chuyến đi công tác ở các tỉnh phía Nam. Có dịp ở Sài Gòn, tôi tìm gặp Trương Quốc Khánh. Anh ở tít trên lầu bốn, lầu năm chi đó của một cái nhà hát. Vẫn nước da trắng như con gái, cặp kính xưa đã dày nay còn dày hơn. Tôi mang thắc mắc trên ra hỏi, không ngờ Trương Quốc Khánh rất sôi nổi. Anh giải thích rằng, lời của bài hát anh lấy ý từ một bài thơ của một chiến sĩ cộng sản phương Tây. Đại ý bài thơ như sau:

Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương

Nếu là đá hãy là đá hoa cương
Nếu là chim hãy là bồ câu trắng
Nếu là người hãy là người cộng sản
(Có người cho rằng, đây là một bài thơ của Tố Hữu).

Bài hát của Trương Quốc Khánh sáng tác cho sinh viên (Sài Gòn cũ) trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Vì ở trong lòng chế độ Nguỵ quyền, nên không thể nói “Hãy là người cộng sản” được, nên phải nói tránh như thế.

Bồ câu trắng đã bay xa

Không chỉ có bài “Tự nguyện” nổi tiếng, Trương Quốc Khánh còn có nhiều ca khúc đi vào lòng người, như “Bài ca cho người đi giữ quê hương”, “Hát trong làn khói đạn”, “Dành cho má một ngày”… Ngoài ca khúc, Trương Quốc Khánh còn viết kịch. Anh có một vở kịch nổi tiếng: “Nỗi đau này không của riêng ai” viết về tệ nạn ma tuý hoành hành ở các tỉnh phía Nam. Có thể nói đó là lời cảnh tỉnh rất sớm về tệ nạn nguy hiểm này. Ngay từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) Trương Quốc Khánh đã giữ những trọng trách trong ngành Văn hoá - Văn nghệ: Tổng Biên tập tạp chí Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh... Vậy mà hồi tôi gặp anh (cỡ năm 1978) anh vẫn ở trong một căn phòng hẹp, hình như là cái kho cũ, bộn bề sách vở, trên tầng cao tít của một nhà hát. Sau bài “Tự nguyện”, Trương Quốc Khánh được giới sinh viên Sài Gòn tặng cho cái tên trìu mến : “Nhạc sĩ Bồ câu”. Vậy mà thấm thoắt hơn mười năm rồi, con “Bồ câu trắng” đã bay xa, để lại nỗi tiếc thương cho bao người yêu mến anh.