Nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải: “Chơi” cả hai bút danh

ANTĐ - Nói lao động viết văn là một công việc khổ sai và đầy trầm luân là rất đúng. Nhưng nếu nói viết văn là một cuộc chơi nghệ thuật ngôn ngữ cũng chẳng sai. Đó là một cuộc chơi văn chương về bố cục, chữ nghĩa và hình tượng đầy sang trọng. Với nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) có lẽ vận vào cả hai đều đúng. 

Có duyên với truyện thiếu nhi

Cuộc đời nhà văn Khôi Vũ thể hiện hai mặt tài hoa và khổ sai. Với hai bút danh thường dùng với gần 50 đầu sách, Khôi Vũ và Nguyễn Thái Hải, đã làm nên một tài năng. Khôi Vũ, tên thật là Nguyễn Thái Hải, sinh năm 1950, ở làng Ngọc Hà, Hà Nội.

Ông theo gia đình vào Biên Hòa, Đồng Nai sinh sống từ khi mới 6 tuổi. Tình yêu văn học và đam mê văn chương nảy sinh như một nội lực tự thân. Bắt đầu cầm bút ở tuổi 15, khởi đầu với “Nắng lên”, in hai kỳ trên báo.

Thành công ấy là một luồng gió tâm hồn dào dạt thổi bùng ước mơ của tuổi niên thiếu. Nó như trang sách đầu tiên trong pho tiểu thuyết cuộc đời của một nhà văn tương lai.

Nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải: “Chơi” cả hai bút danh ảnh 1

Nhà văn Khôi Vũ ký tặng sách cho các em học sinh

Liên tục từ năm 1968 đến 1975, bút danh Nguyễn Thái Hải đã được gắn liền với 8 tập truyện ngắn cho tuổi hoa. Kể cả sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Sài Gòn năm 1973, Nguyễn Thái Hải nổi danh là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn cho lứa tuổi thiếu nhi và đều do nhà sách Tuổi Hoa xuất bản với số lượng khá lớn. Nào là “Hoa tầm gửi”, “Ba chàng thám tử” hay “Thềm nắng”, “Thằng đầu bò” hoặc “Chiếc lá thuộc bài”, “Cha con ông Mắt Mèo”... 

Chưa hết, cái tên Nguyễn Thái Hải còn được đóng dấu lên hàng chục cuốn sách sau này. Theo thống kê của chính nhà văn, ông đã dùng cái tên này dành cho cuộc chơi với con trẻ, bằng 24 tác phẩm.

Có nhiều cuốn sách được tái bản và có cuốn được in với số lượng kỷ lục như tập truyện “Tóc sâu của mẹ”, năm 2008 Nhà xuất bản Kim Đồng in tới 31.372 bản. Đây là tập sách kể lại những câu chuyện của chính cậu bé Nguyễn Thái Hải ở Biên Hòa ngày nào, với những tình cảm thân thương, đáng yêu về gia đình, bạn bè và ký ức êm đềm của tuổi thơ.

Sau này khi đã khắc thêm một cái tên văn chương Khôi Vũ, ông vẫn còn giữ sân chơi với thiếu nhi đều đặn. Cách vài năm ông lại xuất hiện với cái tên Nguyễn Thái Hải cùng những tập truyện thiếu nhi mới. 

“Né” tên của chính mình

Còn câu chuyện vì sao ông đang nổi tiếng với chính danh Nguyễn Thái Hải lại thêm cái tên Khôi Vũ, nghe có vẻ bão gió và gồ ghề đến thế. Ông kể, khi miền Nam được giải phóng, nhà văn như ông, mặc dù chỉ làm nghề thuốc nhưng lại dính một thời bị bắt tổng động viên vào phục vụ trong quân dịch, nên phải đi cải tạo. Và tất nhiên cái tên Nguyễn Thái Hải cũng vô tình bị lui vào dĩ vãng mặc dù chẳng hề ai cấm đoán.

Cuộc đời ông chuyển sang một trang khác. Đó là một sự trải nghiệm đầy cam go, khi phải đi bán chè ngọt với vợ để kiếm sống. 

Ông tự khoe mình là một tay bào đá và bưng bê có hạng. Mỗi lúc rảnh rỗi là ôm lấy cái máy chữ để viết. Đặc biệt bao nhiêu cọ xát và vật lộn trong cuộc sống, nhà văn càng khao khát viết ra những gì mình mong muốn cho cuộc sống tốt đẹp hơn và phải đấu tranh với thói hư tật xấu của con người. 

Thế rồi để né cái tên của chính mình, nhà văn đã lấy tên con trai làm bút danh mới. Khôi Vũ là danh xưng ra đời như thế và đó là truyện ngắn đầu tiên in vào năm 1981. Ngay lập tức bút danh Khôi Vũ được coi là một nhà văn trẻ lứa U30 có triển vọng và sau đó còn được chọn đi dự lớp bồi dưỡng viết văn tại TP.HCM năm 1982. Truyện ngắn “Đồng đội”, tác phẩm dự trại ngày đó bất ngờ được giải nhì (không có giải nhất), trong một cuộc thi của Hội Văn nghệ thành phố vào năm 1983. 

 Có lẽ lao vào cuộc chơi trong sàn viết cho người lớn, đúng vào cái tuổi “Tam thập nhi lập”, Khôi Vũ nổi lên như một hiện tượng thời đó ở Biên Hòa, bởi ông liên tục in và xuất bản với những truyện ngắn hay với một văn phong mới lạ, chát chúa, mạnh mẽ và đầy sức khám phá về cuộc sống thị dân.

Nhiều người còn nhớ đến “Chuyện ở dãy phố Năm Căn” của ông đã làm chấn động dư luận ở ngay nơi ông sinh sống. Cuốn truyện vừa này thu hút bạn đọc khắp nơi. Nhiều người sống ở gần đó đua nhau tìm đọc và đều thấy mình trong đó với thói hư tật xấu trong cuộc sống thường ngày.

Có lẽ cuốn sách nổi tiếng “Lời nguyền hai trăm năm” cũng có manh nha khởi sự tại cuộc sống vất vả của nhà văn Khôi Vũ. Cho dù sau đó gia đình không phải bán chè ngọt nữa, và đến năm 1989, cuốn sách mới được NXB Thanh niên ấn hành, nhưng sự khốc liệt của câu chuyện đầy bi kịch đã khẳng định một cái tên Khôi Vũ tài năng. 

Nhân vật Hai Thìn đã chống lại cái ác, cưỡng lại định mệnh để trở về với cái thiện và tình yêu thương đồng loại. Con người dù phải chết cũng không làm điều ác. Đó cũng là triết lý của nhà văn Khôi Vũ được thể hiện nổi bật qua tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết này cũng là một hiện tượng xuất bản với 7.000 bản; ngay năm sau được Hội Nhà văn trao giải thưởng (năm 1990).

Từ đó cái tên Khôi Vũ liên tiếp xuất hiện với những cuốn sách như “”Dòng sữa cây nước mắt”, “Triệu phú”, “Cái bóng” “Phù phiếm bên biển”, “Ám ảnh đất Bazan”... Tất cả khoảng 23 đầu sách.

Mỗi cuốn sách là một món quà

Cùng với những năm đó nhà văn Khôi Vũ cũng quay trở lại với sân chơi thiếu nhi và lại dùng bút danh Nguyễn Thái Hải. Phải nói ông là một nhà văn duy nhất hiện nay dùng hai bút danh và cả hai tên đều nổi tiếng và đều bán được sách. 

Cuộc chơi của ông còn kỳ lạ nữa khi với sách thiếu nhi. Mỗi khi in sách, ông thường dùng tiền nhuận bút và còn thêm tiền mua hàng trăm cuốn để tặng các em học sinh ở những trường học nơi xa xôi, nghèo khó và sách của ông còn là phần thưởng cho những trò ngoan học giỏi. Bởi như trong cuốn “Lời nguyền hai trăm năm”, ông có triết lý nhân sinh yêu thương con người, không bao giờ làm điều ác.

Khi thành lập tủ sách, cùng với “Chương trình trở lại tuổi thơ” từ năm 2011, cho đến nay nhà văn thường mua sách tặng học sinh. Ông lấy đó là niềm vui đưa sách đến tay người đọc và ông mong mỗi con chữ của mình sẽ đem lại điều thiện và trong trẻo cho tuổi thơ.