Người Việt Nam duy nhất làm tranh cắt vải

ANTĐ - Là họa sỹ Việt Nam duy nhất theo đuổi dòng tranh cắt vải, họa sỹ Trần Thanh Thục đã rẽ một lối đi riêng trong nghệ thuật hội họa. Do đặc thù của dòng tranh cắt vải nên họa sỹ cầm kéo thạo hơn cầm bút và dường như đã quên mất cách pha màu thông thường.

Lộ diện sau 30 năm

Gặp nữ họa sỹ Trần Thanh Thục trong triển lãm “Nhịp xuân” diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội chị cười rạng rỡ. Tranh của chị bán tốt. Thấp thoáng trong phòng tranh, những bông hoa xinh xắn đính dưới mỗi tác phẩm. Lần đầu lộ diện sau hơn 30 năm đi tìm con đường riêng, tác phẩm của chị được người yêu nghệ thuật đón nhận. Trần Thanh Thục đùa vui rằng, hơn 30 năm theo đuổi các họa tiết và hòa sắc của vải, cái được thì chưa nhắc tới nhưng cái mất thì thấy ngay. Đó là chị đã quên mất cách pha màu truyền thống và hiện nay, chị cầm kéo thạo hơn cầm bút. 

Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trần Thanh Thục đã từng thử sức với nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, arcylic. Như duyên trời định, trong một lần tình cờ, chị thử ghép các dãy phố cổ Hà Nội từ các mảnh vải của gia đình.

Người Việt Nam duy nhất làm tranh cắt vải ảnh 1

Họa sỹ Trần Thanh Thục tìm kiếm hoa văn cho tác phẩm giữa núi vải ngồn ngộn

Không sử dụng màu để tô vẽ mà chỉ dùng các họa tiết của vải, chắp nối với nhau đã gây bất ngờ cho chính họa sỹ và những người thân trong gia đình. Tác phẩm đẹp không kém tranh sơn dầu ở khả năng biểu hiện từ các chi tiết nhỏ nhất đến các chi tiết lớn nhất. Từ đó, chị quyết định rẽ ngang lối, đi tìm một con đường riêng trong hội họa.

Nhưng khó khăn là dòng tranh này không được các thầy trong trường dạy và làm thế nào để vượt qua được tính mỹ nghệ, biến tranh cắt vải thành tác phẩm nghệ thuật đã khiến nữ họa sỹ mất hơn 30 năm tìm tòi và khám phá.

“Đầu ra” rộng mở

Bắt đầu từ công đoạn sưu tầm mẫu vải. Chị đến các chợ mải miết tìm, chọn các miếng vải lớn, các mẫu hoa văn lạ và đẹp mắt. Chị để chúng hòa vào nơi đặt các miếng vải trước. Khi mẫu phác thảo đã xong, chị ngồi giữa núi vải ngồn ngộn tiếp tục công đoạn bới, tìm các tấm vải có họa tiết phù hợp với bức tranh.

Chỉ một chi tiết như bóng nhà thờ đổ trong tác phẩm “Quê ngoại”, Trần Thanh Thục đã nâng lên, đặt xuống hàng trăm miếng vải, lựa chọn, vẽ rồi cắt. Có khi sơ sảy, lưỡi kéo đi lệch hướng thì cả miếng vải coi như hỏng. Để tạo hiệu ứng bóng đổ mờ ảo, chị thực hiện bằng cách chồng nhiều lớp vải lên nhau. Một bức tranh vải hoàn thiện tốn nhiều chất xám, công sức, sự tỉ mỉ của người nghệ sỹ. 

Người Việt Nam duy nhất làm tranh cắt vải ảnh 2

 Tác phẩm “Mùa hoa cải” 

Không mang tính mỹ nghệ, các bức tranh vải của Trần Thanh Thục cuốn hút người xem bởi tính mộc mạc, không màu mè hoa mỹ. Cái duyên thầm của tranh cắt vải nằm ẩn sâu trong các tầng vải chồng lấn lên nhau và khiến người xem không rời được mắt.

Trong tranh, nữ họa sỹ Trần Thanh Thục đặc biệt yêu thích đề tài miền núi Hà Giang và khung cảnh đồng bằng Bắc bộ. Ký ức làng quê những ngày đi sơ tán luôn in đậm trong trái tim chị. Không khó hiểu khi phần lớn các tác phẩm của Trần Thanh Thục luôn đậm đà phong vị thuần Việt, cái hồn quê hồn hậu thấm đẫm trong các mảng miếng, màu sắc của tranh cắt vải. Dù miêu tả về mùa đông Hà Nội lạnh giá hay Sa Pa tuyết rơi thì tranh của Trần Thanh Thục luôn bừng lên niềm yêu đời, khát vọng sống mãnh liệt. Tranh của chị không có sự lạnh lẽo, cái ớn lạnh nên dù tả về mùa đông thì Trần Thanh Thục vẫn cho thêm bếp lửa hồng để sưởi ấm đêm đông. 

Họa sỹ Trần Thanh Thục hiện đang công tác tại Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Công việc của một viên chức chiếm khá nhiều thời gian nên chị sáng tác tranh cắt vải theo lối làm việc xé nhỏ, tranh thủ khoảng trống.

Hơn 30 năm theo đuổi dòng tranh này, Trần Thanh Thục đã có vài trăm tác phẩm. Điều đáng mừng, những “đứa con” không ở lại với chị lâu ngày, chúng nhanh chóng được đón rước về nhà mới. Chính đầu ra cho tranh cắt vải khá rộng mở nên họa sỹ có nhiều dự định về loạt tranh làng quê Việt Nam và cầu ngói sẽ tiếp tục được ra đời trong thời gian sắp tới.