Người về neo đậu “bến quê”

ANTĐ - Có lẽ đây là những ngày buồn, ngày thương và tiếc nuối nhiều nhất của làng nhạc Việt Nam. Liên tiếp có những nhạc sĩ tài năng rời bỏ chúng ta ra đi. Nhưng nếu  GS - nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân đều do tuổi cao sức yếu thì sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên khi ông mới 66 tuổi khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng. 

Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên, sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Công chúng biết đến ông với hàng chục ca khúc mang âm hưởng dân ca hay hành khúc như: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Khi xe tăng qua miền quan họ”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”, “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Ca dao em và tôi”... Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như: “Trương Chi”, “Đôi đũa kim giao”, “Biển tình cay đắng”; sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Nhạc sĩ của những bài hát giàu âm hưởng dân ca, của những tác phẩm sống động trong lòng công chúng đã ra đi, dù những câu hát của ông còn mới nguyên trong lòng người. Có những nhạc sĩ ra đi, người ta nhớ đến chức vụ, đến danh hiệu nghệ sĩ nhân nhân hay nghệ sĩ ưu tú. Còn với An Thuyên, dù ông cũng đã kinh qua công tác quản lý, đã từng giữ chức vụ cao, nhưng điều quan trọng hơn, công chúng đã nhớ đến nhiều ca khúc của ông, vẫn hát vang mỗi khi có dịp. Những “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc” đã giúp nhạc sĩ An Thuyên được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007), còn nhiều ca khúc khác nữa của ông, như “Ca dao em và tôi”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”… mãi mãi neo đậu vào tâm hồn khán thính giả. Còn những ai từng tiếp xúc với ông thì vẫn chưa quên một người hào hoa, phong nhã, duyên dáng, cởi mở và dễ gần…

Người về  neo đậu “bến quê” ảnh 1

Nhạc sĩ An Thuyên say sưa trong một lần bấm máy

An Thuyên không chỉ tài hoa trong âm nhạc. Tôi có lần được xem những bức ảnh ông chụp. Nhiều bức ảnh của ông xứng đáng gọi là tác phẩm nhiếp ảnh, gợi lên xúc cảm hơn hẳn một số tác phẩm được giải này giải khác của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhưng An Thuyên chụp và để đó. Ông không dự thi bất cứ cuộc thi nào. Nhiếp ảnh với ông cũng là đam mê, một đam mê ít lời mà nhiều ý, như con người ông mà tôi cảm nhận.

An Thuyên chọn nhiếp ảnh dường như để trốn khỏi cuộc sống xô bồ, trốn khỏi những nhiễu nhương phức tạp của thời cuộc. Ông thường chụp cảnh thiên nhiên, một bến nước con đò, một ánh bình minh hay một cảnh đời ắng lặng mà ông chợt gặp trên những chuyến đi. Những bức ảnh chan chứa tình yêu đời yêu người của ông như cất lên giai điệu, mà ở đó người ta có thể thấy đã hiện ra trên các nốt nhạc mà ông đã viết, cũng có khi còn ẩn khuất đâu đó chưa kịp bùng ra. An Thuyên chụp amateur, nhưng ông lại đầu tư máy móc rất chuyên nghiệp. Máy đắt tiền. Ống kính cũng đa dạng, có cái còn đắt tiền hơn máy. 

Những giai điệu mới chỉ ấp ủ trong con người nhạc sĩ An Thuyên bây giờ đã vĩnh viễn theo ông về với bến sông. Đó có thể ven sông Hồng, Hà Nội hay một bến sông quê xứ Nghệ mờ xa. Nơi đó, tôi nghĩ ông lại sẽ chọn những buổi chiều muộn, những sớm mai tinh mơ để thả hồn. Và nếu có kiếp sau, ta sẽ được gặp ông, được nghe tiếp những ca khúc mới của An Thuyên mà ở “cõi tạm” này cơ duyên chưa kịp.

Lễ tang nhạc sỹ An Thuyên sẽ diễn ra từ 7h30 đến 12h30 ngày 9-7 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Thay vì mang vòng hoa đến viếng, bạn bè thân hữu nên mang theo vài chú chim nhỏ để cùng gia đình làm lễ phóng sinh tại chỗ. Sau lễ viếng, nhạc sỹ An Thuyên sẽ an nghỉ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình). 

Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, An Thuyên là người được phong hàm tướng đầu tiên. Vinh dự đó không phải ai cũng có được. Điều ấy cũng nói lên sự cống hiến to lớn của ông mà ở bài viết này chưa đề cập đến…

Tôi cứ nghĩ nếu Hà Nội mấy hôm vừa rồi không nóng kinh hoàng, không ngột ngạt cao độ thì có lẽ An Thuyên đã không cảm thấy đau ngực, và chúng ta vẫn được nhìn thấy ông, được nghe những giai điệu mới ông sáng tác. Vẫn biết mấy năm nay ông không được khỏe, lại có tiền sử huyết áp cao. Nhưng vẫn không thể quên ông, một người không ngừng vận động. Dù đã nghỉ hưu, nhưng công việc vẫn kéo ông đi.

Người ta thấy ông làm Giám đốc nghệ thuật cho Tập đoàn Bảo Sơn, lập Công ty văn hóa An Việt, rồi làm Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp. Thậm chí người ta còn biết ông đứng ra đề xuất ý tưởng phát động phong trào “Doanh nghiệp văn hóa” với nội dung “3 không, 3 có”: Không buôn lậu, không trốn thuế, không hàng giả, hàng nhái; Có trách nhiệm với người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, có lòng tự tôn dân tộc. Thậm chí, ông sẵn sàng viết nhạc cho cơ quan này, cho tờ báo khác khi có lời gửi gắm…

Bây giờ thì An Thuyên đã ra đi. Mong nơi ông về mát mẻ, với những bến sông quê để mãi neo đậu một tâm hồn…