Người nông dân 4 năm thức đêm viết sử bằng thơ

ANTĐ - Chẳng phải nhà thơ chuyên nghiệp, không phải nhà nghiên cứu lịch sử, ông Phạm Duy Khóa (xã Bạch Đằng, Kinh Môn, Hải Dương) chỉ là một người nông dân. Ấy thế mà với niềm đam mê của mình, ông đã bỏ ra 4 năm trời để chắt bóp ra những vần thơ diễn tả lại lịch sử các triều đại Việt Nam, rồi lại tự bỏ tiền túi ra in thành cuốn sách hơn 400 trang.
Người nông dân 4 năm thức đêm viết sử bằng thơ ảnh 1

Người nông dân mê sử

Gặp ông Phạm Duy Khóa, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ông là một ông giáo bởi sự phong thái mực thước và kiến thức sâu rộng, nhất là sự am tường về lịch sử của ông. Thế nhưng hóa ra ông lại chỉ là một người nông dân ham mê làm thơ và có tình yêu đặc biệt với lịch sử nước nhà. Chính hai niềm đam mê đó đã thôi thúc ông sáng tác một tập thơ dày hơn 400 trang về lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam không với mục đích gì khác ngoài mong muốn truyền lại tình yêu lịch sử cho thế hệ trẻ và giúp các sự kiện, con số trong lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc hơn.

Ông Phạm Duy Khóa kể rằng ông mê lịch sử từ nhỏ, lúc thanh niên ông đã sưu tầm được cả một tủ sách lớn. Năm 20 tuổi ông nhập ngũ. Khi khoác ba lô lên đường vào mặt trận phía Nam, nghĩ chẳng biết mình có trở về hay không, ông đã đem sách cho bạn bè, những người ham học hỏi, chỉ giữ lại những quyển tâm đắc nhất mang vào chiến trường. Nhưng đường hành quân vất vả, bom đạn, cuối cùng ông cũng không giữ lại được sách. 

Tuy không có sách đọc, nhưng những câu chuyện lịch sử thì ông đã thuộc nằm lòng. Những giờ giải lao trên đường hành quân, câu chuyện lịch sử của ông trở thành cách giải trí cho đồng đội. Ông Khóa có cách dẫn dắt, cách kể chuyện hấp dẫn vì thế những lúc nghỉ ngơi mệt mỏi, đồng đội lại vây quanh ông yêu cầu kể chuyện. Xuất ngũ trở về quê hương, dù chỉ gắn bó với nghề nông nhưng không lúc nào ông Khóa thôi tìm tòi, nghiên cứu về bộ môn lịch sử. Ông cho rằng hiểu biết về lịch sử không chỉ giúp ông nâng cao kiến thức xã hội mà còn cho ông nhiều bài học về đối nhân xử thế, về cả cách răn dạy con cháu trong nhà. 

Bốn năm mất ngủ vì làm thơ lịch sử

Ý nghĩ viết lại lịch sử bằng thơ được ông ấp ủ đã nhiều năm, khi ông nhận thấy thế hệ trẻ ngày nay không có đam mê với bộ môn lịch sử, hiểu biết về lịch sử rất hạn chế, mà nguyên nhân chính cũng vì những cuốn sách lịch sử truyền đạt quá khô cứng. Năm 2008, ông bắt đầu bắt tay vào viết. 

Nói thì dễ nhưng làm đâu có dễ. Dù kiến thức lịch sử trong đầu sẵn có rất nhiều, nhưng một khi đã viết thành sách cho nhiều người đọc thì không được phép sai sót dù một chi tiết. Ông quyết định chọn cuốn “Các triều đại Việt Nam” của nhóm tác giả Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng do NXB Thanh Niên phát hành làm tài liệu chính. Thế là trong 4 năm liền, từ năm 2008 đến năm 2012 gần như hôm nào cũng như hôm nào cứ 2h sáng là ông thức dậy ngồi vào bàn nghĩ rồi viết, cho đến khi trời sáng. 

“Nhiều khi khó khăn, cũng muốn bỏ cuộc lắm, nhưng rồi bạn bè, bản thân tự động viên nên lại cố gắng viết. Người ta viết một cuốn sách, cuốn thơ về tình yêu, về thiên nhiên, cây cỏ hoa lá thì lòng người thi sĩ như một cái dây đàn ấy, có cơn gió thoảng qua là có thể rung lên thành vần điệu. Nhưng viết thơ diễn tả lịch sử thì thực sự khó khăn, vì lịch sử chỉ là những con số, những năm tháng, trận đánh, những tên người, rất khô cứng, vì vậy viết thành thơ dễ bị lủng củng, khó đọc” - ông Khóa chia sẻ.

Cuối cùng sau 4 năm nghiền ngẫm, cuốn sách thơ lịch sử của ông đã hoàn thành cơ bản về nội dung. Chưa yên tâm, ông tiếp tục xin ý kiến của những người có hiểu biết về thơ và lịch sử để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh rồi quyết định bỏ tiền túi ra in cuốn sách. Tháng 9-2014, cuốn sách thơ “Các triều đại Việt Nam” đã được ra mắt bạn đọc. Đánh giá về cuốn sách, nhà văn Tạ Duy Anh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), người chịu trách nhiệm biên tập chính cho cuốn sách cho rằng đây là một trường hợp khá đặc biệt trong cuộc đời biên tập của mình. “Cuốn sách hàm chứa quá nhiều thông tin lịch sử nên chúng tôi đã phải tra cứu rất vất vả. Nó cho thấy tác giả là một người có niềm đam mê lớn với lịch sử và làm việc rất nghiêm túc, khoa học”. 

Trong cuốn sách, ngoài việc diễn tả lại các sự kiện lịch sử, ông còn đưa ra những bài học đúc kết sau mỗi giai đoạn lịch sử. Ví như khi kết thúc triều đại nhà Hồ, ông viết “Bởi vì không được lòng dân/Nhà Hồ thất bại chịu phần đắng cay”.  Viết về nhà nước Văn Lang và các Vua Hùng, ông mở đầu: “Vua Hùng ở đất Phong Châu/Quan võ Lạc Tướng, Lạc Hầu quan văn/Con gái đặt tên Mỵ Nương/Con trai tên gọi đường đường Quan Lang…”. Ông gửi gắm lời răn dạy về công lao các vua Hùng: “Hạnh phúc này là ân huệ của tổ tiên/Cây có gốc mới nẩy cành xanh lá/Có nước nguồn biển cả những độ sâu/Công đức tổ tiên lưu mãi đời sau/Truyền sức sống cho mọi nhà đều ấm”.