Nghệ sỹ phải luôn biết phủ định bản thân

ANTĐ - Là tác giả của rất nhiều tác phẩm đoạt giải ở nước ngoài, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Trần Việt Văn đã có những chia sẻ rất chân thực về các bí quyết làm nghề.

Ảnh báo chí quan trọng nhất là thông tin

- Là người săn ảnh, anh thường gặp những trở ngại gì?

- Bà giáo người Đức trong khóa học nhiếp ảnh IMMF từng dạy tôi: Một bức ảnh tốt không chỉ kể một mà phải kể nhiều câu chuyện. Kể chuyện sao cho mạch lạc, rõ ràng là điều khó nhất, kể nhiều câu chuyện lại càng khó. Nhà nhiếp ảnh còn phải là một nhà tâm lý học giỏi để có thể tiếp cận nhân vật, thuyết phục nhân vật cho mình chụp ảnh, nhất là chụp ảnh riêng tư. Trường hợp tôi chụp ảnh vợ chồng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại nhà riêng là một ví dụ.

Nghệ sỹ phải luôn biết phủ định bản thân ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là người rất cảm phục, nể trọng và thương vợ. Ông bảo: cả quãng đời trai trẻ tớ đi đánh giặc biền biệt, một mình bà ấy ở nhà vừa công tác, vừa nuôi con ăn học, chờ chồng trở về. Bây giờ được ở với nhau thì bà ấy ốm bệnh.

Để chụp loạt ảnh tướng Thước chăm sóc vợ bệnh tại nhà riêng, khi tôi xin phép thì hai ông bà đồng ý, nhưng đến ngày chụp, giơ máy lên thì bà xua tay không cho chụp. Lại phải thuyết phục.

Bộ ảnh vợ chồng tướng Thước tôi đặt tên là “Tình yêu”, có những pô rất cảm động như ảnh tướng Thước cầm lược chải tóc cho vợ... Vừa qua, bộ ảnh “Tình yêu” đã lọt vào chung kết của thể loại ảnh báo chí - tài liệu cuộc thi ảnh lớn nhất hàng năm mang tên Pollux Annual Awards lần thứ 7 của tổ chức Liên hoan ảnh toàn cầu của Anh.  

- Anh đánh giá thế nào về chất lượng ảnh báo chí Việt Nam? 

Ảnh báo chí quan trọng nhất là thông tin, phát hiện thông tin, xử lý thông tin để chuyển tải đến người xem một thông điệp. Mọi thứ như bố cục, ánh sáng, đường nét chỉ là hỗ trợ. Ảnh báo chí Việt Nam nhìn chung mới ở mức trung bình, dù sự đầu tư cho nó ở các tờ báo đã được chú ý chăm chút hơn. Nhiều ảnh sự kiện chính trị xã hội lớn của đất nước vẫn chụp theo lối mòn, mang tính công thức, minh họa nhiều. 

Tay máy nổi tiếng thế giới người Việt Nick Ut, phóng viên ảnh AP từng nói: “Trong 1 sự kiện hầu như các phóng viên ảnh Việt Nam đều giống nhau, không có sự sáng tạo cá nhân riêng biệt”. Đó là một nhận xét cực kỳ nghiêm khắc nhưng có lý.

- Hiện ở nước ta có nhiều tay máy nổi tiếng, đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước về ảnh nghệ thuật. Riêng mảng ảnh báo chí, thời sự đã lâu lắm Việt Nam không có giải thưởng quốc tế thì phải? 

- Vẫn có chứ, nhưng không nhiều. Có người nói nguyên nhân vì Việt Nam không còn là điểm nóng của thế giới như thời chiến tranh. Không hẳn thế, Việt Nam vẫn có nhiều vấn đề mang tính toàn cầu với những nét đặc trưng mà thế giới muốn biết nhưng vấn đề là cách tiếp cận vấn đề và thể hiện ra sao. Về điểm này thì các tay máy Việt Nam và thế giới vẫn có 

khoảng cách. 

Nghệ thuật không thể “lướt qua cuộc sống”

- Chụp ảnh nghệ thuật để tạo được dấu ấn trong tác phẩm, đối với anh điều gì là quan trọng?

Độc đáo trong ý tưởng và cách thể hiện hoàn hảo. Nhiều khi ý tưởng tốt nhưng bất lực trong thể hiện hoặc thể hiện chưa tới cũng không thành tác phẩm. Nghệ thuật phải đem lại điều bất ngờ, nếu người xem chờ đợi một thì nghệ sỹ phải mang đến cho họ gấp đôi. 

Nghệ sỹ phải luôn biết phủ định bản thân ảnh 2

“Câu chuyện cát số 9”, tác phẩm nằm trong bộ ảnh đoạt Huy chương Đồng cuộc thi ảnh quốc tế tại Paris năm 2012 của Trần Việt Văn

Ý tưởng sáng tạo nhiều khi đến rất tình cờ, nhưng nó không ngẫu nhiên mà “biết” chọn “điểm rơi”. Một nghệ sỹ còn phải luôn biết phủ định bản thân, bởi cái mới mẻ hôm nay có khi là sự lạc hậu của ngày mai. Điều chủ chốt nữa là nghệ sĩ thì không được lười biếng mà phải làm việc, làm việc liên tục không thì anh sẽ bị cuộc sống bỏ qua, gạt anh sang bên lề. 

- Người chụp ảnh nghệ thuật có phải là người đi lướt qua cuộc sống? 

Không phải là lướt qua mà là đi thật chậm, quan sát cuộc sống và chỉ chụp khi muốn bày tỏ một ý kiến riêng về cuộc sống. Tiếc là nhiều người lại có ý kiến quá giống nhau về một vấn đề.

Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc nhấn mạnh tính thời điểm, giây khắc bấm máy, để bắt đứng một thời điểm của dòng chảy cuộc sống, bắt nó ngừng trôi. Khái niệm khoảnh khắc ngày nay đã mở rộng, với tôi ngay trong dàn dựng cũng phải bắt đúng khoảnh khắc nhân vật tự nhiên nhất, bộc lộ bản thân một cách rõ ràng nhất, kể cả mặt tối bên trong mà họ không ngờ tới. 

- Dường như anh mới chỉ chụp chân dung những người có chức phận, thành đạt mà chưa khai thác hoặc đi sâu vào những mặt trái của đời sống xã hội?

Tôi chụp nhiều mảng khác, chủ đề “Tướng trận thời bình” chỉ là một mảng lớn. Ngay trong cách thể hiện những người thành đạt, người xem vẫn có thể thấy những trăn trở, ưu tư và cả những bất lực với thời gian của họ.

Còn cái ác, tôi không chụp theo lối báo chí, hiện thực nhưng có những bộ ảnh thể hiện mang tính ý niệm, nghệ thuật như bộ ảnh “Bản năng gốc”, “Tham sân si”… Tôi quan tâm tới cuộc đấu tranh thiện- ác, xấu- tốt và đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người để khẳng định nhân dạng của mỗi cá nhân trong thời đại toàn cầu hóa. 

- Anh có nhiều bức ảnh nghệ thuật chạm tới “chất thơ”, nhất là những bức ảnh đoạt giải thưởng quốc tế. Theo anh, làm thế nào để có “chất thơ” trong một tác phẩm nhiếp ảnh? 

Người xưa hay nói “trong thơ có họa”. Còn trong nhiếp ảnh nếu nói tác phẩm đó giàu chất thơ chính là một lời khen. Bức ảnh giàu chất thơ phải gợi được cảm xúc, nói cách khác là chạm vào trái tim người xem. Bức ảnh có chất thơ nhiều khi là sự đan xen giữa ảo và thực, hiện thực và lãng mạn, và làm người xem luôn trở đi trở lại hình ảnh đó trong đầu.  

Trần Việt Văn SN 1971, là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt Giải thưởng Paris (Prix de la Photographie Paris) 6 năm liên tiếp, 3 năm giải thưởng Liên hoan nhiếp ảnh toàn cầu hàng năm (Worldwide  Gala Photography Awards), 5 năm giải nhiếp ảnh quốc tế IPA (Mỹ), 2 lần vào chung khảo sáng tạo quốc tế London (Anh). Mới đây, anh là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải tại Worldwide Photography Gala Awards lần thứ bảy với bộ ảnh “Tham sân si”, giải nhất thể loại Mỹ thuật khu vực dành cho các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.