Lệ Tân Sitek (Bùi Lý Lệ Tân): “Giữa ngã ba đường”

ANTĐ - Hiếm có một nhà văn nào có một hoàn cảnh sáng tác đặc biệt như Lệ Tân Sitek, cuốn sách đầu tiên ra đời khi tác giả đã ở vào tuổi 70. Và cũng chắc hẳn cũng chưa có một nữ văn sỹ nào ở Việt Nam có một thân phận, một cuộc đời đặc biệt như bà - người con gái của hai lão thành cách mạng từng được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt những năm đầu thế kỷ 20.

Hai cuốn sách “Một mình trên đường” và “Ngã ba đường”

5 tuổi - một mình trên đường…

Bùi Lý Lệ Tân sinh trưởng trong một gia đình đặc biệt. Bà là con gái đầu của ông Bùi Hải Thiệu (bí danh Lý Quốc Lương) và bà Hoàng Lệ Minh (bí danh Lý Phương Thuận) - cả hai đều là “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Bà Hoàng Lệ Minh, một nhân vật được nhiều tài liệu lịch sử nhắc đến với cái tên Lý Phương Thuận, là một trong 8 thanh niên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đưa sang Trung Quốc đào tạo. Theo một số ghi chép, ông Thiệu khi hoạt động ở Trung Quốc đã được chính bà dạy tiếng Trung. Có lẽ, mối tơ duyên của hai người hình thành từ ấy. 

Cha mẹ đều đi làm cách mạng, bà Lệ Tân sớm nếm trải những tháng năm cơ cực và sóng gió nhất của đời người. Điều này đã được phản ánh đầy đủ, chân thực nhất trong hai cuốn tiểu thuyết “Một mình trên đường” (2009) và “Ngã ba đường” vừa xuất bản. Cả hai tác phẩm tuy ra đời cách nhau 4 năm nhưng đều cho cảm nhận, đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, tự truyện đơn thuần. Chứa đựng trong đó là cả một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, được ghi dấu bởi những hy sinh to lớn và bình dị, những nguồn tình cảm chân thành, đáng quý con người ta dành cho nhau suốt những tháng năm đói nghèo và ly biệt.

Cuộc đời An - nhân vật chính trong cả hai tác phẩm được lấy nguyên mẫu chính từ cuộc đời Bùi Lý Lệ Tân, người đã trải qua tận cùng nỗi khổ đau, mất mát. Mất cha từ khi lên 5 tuổi, nỗi đau chưa kịp nguôi đã phải cùng mẹ và em gái tìm về quê nội trên một hành trình dài và gian truân từ nơi đất khách. Để rồi sau đó chiến tranh đã một lần nữa đẩy cô bé mới 6 tuổi vào hoàn cảnh chia cắt. Người em gái nhỏ nhất của bà cũng qua đời khi mới 2 tuổi vì căn bệnh kiết lỵ. 9 năm chiến tranh đằng đẵng, bà chịu cảnh sống xa cách với người mẹ dứt ruột đẻ ra mình. 

Trong số phận long đong, bôn ba của mình mà Bùi Lý Lệ Tân kể lại trong tác phẩm, bà đã sống 10 năm ở quê nhà Phổ Đông, Nghệ An trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Thiếu vắng tình cảm máu mủ, đối với An - những ngày tháng vật lộn với cái nghèo, đói khổ ở quê nhà nơi có bà, có chú Đức - người được An thầm coi như người cha thứ hai đã trở thành phần kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời. 

Có một chi tiết thú vị về Bùi Lý Lệ Tân - đó là ở cả hai cuốn tiểu thuyết đầu tay, bà đều tự làm dịch giả cho mình. Năm 2009, tác phẩm “Một mình trên đường” -  cuốn tiểu thuyết gắn với 10 năm tuổi thơ ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp được viết bằng tiếng Việt và  chuyển sang tiếng Ba Lan. Còn với “Ngã ba đường” - nguyên gốc bằng tiếng Ba Lan đã được chính bà một lần nữa dịch sang tiếng Việt để mang về quê hương. Bà tâm sự mình đã mất nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều khi dịch cuốn tiểu thuyết từ tiếng Ba Lan. Bà thừa nhận sự “chưa thỏa mãn” với vốn tiếng Việt của mình bằng một tinh thần cầu thị, sẵn lòng học hỏi. 

Được yêu thương nhiều hơn

Bùi Lý Lệ Tân đã trải qua quá trình đấu tranh gian khổ để bảo vệ tình yêu của mình. Gặp gỡ và đem lòng cảm mến một thanh niên Ba Lan mà những quy định và ràng buộc lúc bấy giờ không cho phép, bà đã phải đứng trước “Ngã ba đường”: Ở lại sống chết với tình yêu hay về nước, bị phủ nhận hoàn toàn những năm tháng theo học ngành kiến trúc tại trường 

Politechnika Gdánka. Cuối cùng bà đã ở lại và đấu tranh đến cùng, trở thành một người không có quốc tịch để được gắn bó với người mà sau này trở thành chồng bà - ông Ryszard Sitek. Điều này đã gây cho bà nhiều tổn thương, day dứt và khát khao muốn tìm về với nguồn cội. Đến bây giờ, mỗi khi chia sẻ kỷ niệm trở về Việt Nam, trong mắt bà ánh lên niềm tự hào, niềm vui khó tả. Ngay trong chuyến về nước lần này, được người cô duy nhất còn lại của bà ở Hà Nội múc những xô nước nóng lạnh trộn vào nhau để bà tắm trong căn hộ lụp xụp, không tránh nổi nắng mưa, bà trân trọng, thấy được yêu và yêu thương nhiều hơn. Bà nói, chỉ có như vậy khiến bà được trở về với ngày xưa, thấy mình thật may mắn, vì nếu không trải qua từng ấy biến cố, từng ấy mất mát, làm sao có được cuộc đời mà con người ta sẽ không bao giờ đánh đổi. 

Nhà phê bình văn Phạm Xuân Nguyên đã nói, không thể đơn thuần gọi bà “nhà văn” hay “tác giả” mà là “người con đất Việt” mới đầy đủ và chính xác. Hay như nhà văn Đỗ Chu đã bộc bạch, bà xuất hiện muộn nhưng lại là “đến sớm” trong sự nghiệp văn chương. Viết sách ở tuổi 70, đối với bà mà nói, có nhiều ý nghĩa. Nó vừa là “cao vọng”, vừa là để viết cho người thân, những người không quen biết, những người còn, người mất, về quê cha đất tổ và cho chính mình, cho những ký ức vui buồn không thể nào quên trong cuộc đời con người.