Nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung:

Khóc trước “Truyện Kiều”

ANTĐ - Ở lĩnh vực sáng tác, bạn đọc biết đến Trương Đăng Dung sau giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011 cho tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” nhưng ít người biết, từ năm 1983 ông đã dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Hungary. 

Khóc trước “Truyện Kiều”  ảnh 1

“Kiều” xuất ngoại từ 30 năm trước

Gần đây, trong lễ trao huân chương “Chữ thập vàng” của Nhà nước Hungary cho PGS.TS Trương Đăng Dung tại Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam tôi mới biết chính ông là người dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Hungary từ năm 1983. Và tập “Truyện Kiều” tiếng Hung duy nhất còn lại từ ngày ấy đã được trưng bày tại sự kiện này.

Văn học Việt Nam giờ mới loay hoay tìm đường xuất ngoại thì ba chục năm trước, khi chưa đầy ba mươi tuổi, Trương Đăng Dung đã dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Hung. Giải thích về điều này ông bảo, những năm học ở nước ngoài, ông nhận ra rằng thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người ta không biết nhiều về nền văn hoá Việt Nam. Từ thời sinh viên, nhìn những tác phẩm văn học cổ điển lớn viết bằng thứ tiếng phổ cập của các nước được dịch sang tiếng Hungary ông đã nghĩ đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và nung nấu sẽ có ngày dịch tác phẩm này. 

Để dịch một tác phẩm vốn được coi là hồn cốt của nước Nam sang một ngôn ngữ khác là điều không dễ, nhất là khi người dịch còn khá trẻ. Trương Đăng Dung cho biết: “Sự khác biệt về văn hoá, tôn giáo giữa các dân tộc là trở ngại lớn không kém sự khác biệt về ngôn ngữ, do đó khó khăn lớn nhất đối với người dịch “Truyện Kiều” là làm thế nào chuyển tải được cái tinh thần văn hoá đặc trưng có trong ngôn ngữ nguyên bản”. Thế nhưng Trương Đăng Dung đã may mắn được làm việc với nhà thơ, dịch giả nổi tiếng Tandori Dezso của Hungary, và Tandori Dezso đã giúp ông rất nhiều trong việc chuyển thành thơ bản dịch “Truyện Kiều”. 

Trong thời gian dịch Truyện Kiều tại Hungary, mỗi khi được mời đi thuyết trình, Trương Đăng Dung đều tranh thủ “quảng cáo” cho bản “Truyện Kiều” do mình dịch sắp được xuất bản. Có một lần, ở trường Đại học Debrecen, khi ông vừa nói “Các bạn chuẩn bị đón đọc một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, một chuyện tình…”, thì có một người ngồi ở hàng ghế đầu liền hỏi “có phải là chuyện tình của một đôi nam nữ du kích yêu nhau, nhưng phải xa nhau mỗi người chiến đấu một phương trời theo yêu cầu của chi bộ…”, khiến ông vừa buồn cười, vừa buồn trước nhận thức của người dân bản địa về văn học Việt Nam. “Người ta chỉ biết đến văn học Việt Nam qua một vài truyện ngắn viết về chiến tranh, vì thế cũng dễ hiểu là vì sao có người đã hỏi như vậy”- ông nói.

Khi bản dịch “Truyện Kiều” được Nhà xuất bản Europa nhận in thì Trương Đăng Dung cũng kết thúc thời gian học tập tại Hungary chuẩn bị về nước. Một năm sau, khi đang làm việc tại Viện Văn học thì có người mang đến cho ông một bưu kiện. Đó chính là 3 cuốn “Truyện Kiều” bằng tiếng Hung được nhà xuất bản gửi về Việt Nam cho dịch giả. Cầm 3 cuốn sách kết quả của những tháng ngày lao động với bao tâm huyết nơi xứ người, ông đã bật khóc nức nở.

Đã có lần tưởng mình sắp… chết

Theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lý luận phê bình nhưng đến giờ có vẻ như Trương Đăng Dung lại “phát” về đường thi ca. Tại Lễ trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, trong phần phát biểu của mình ông đã nói rằng, thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. “Làm việc gì tôi cũng hết mình, dù đó là nghiên cứu lý luận văn học, dịch sách hay làm thơ, giảng dạy… Sự yêu quý mà bạn đọc dành cho tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” càng khẳng định niềm tin của tôi rằng thời nào cũng có những người yêu thơ” - tác giả của tập thơ đầu tay ở tuổi gần 60 tâm sự. Gần đây nhiều người mới biết và đọc thơ Trương Đăng Dung, nhưng thực ra, trước khi “Những kỷ niệm tưởng tượng” được xuất bản thì thơ Trương Đăng Dung đã in ở Tạp chí Thơ, Tạp chí Sông Hương và báo Văn nghệ từ khá lâu. 

Trương Đăng Dung cũng là người dịch khá nhiều tác phẩm văn học của Hungary ra tiếng Việt. Trong số đó, ông tâm đắc với tiểu thuyết “Đứa trẻ mồ côi” của Moricz Zsigmond. “Vì ngoài nội dung tác phẩm thì bối cảnh tôi dịch cuốn tiểu thuyết này rất đặc biệt” - ông giải thích. Đó là vào năm 1985, khi đứa con đầu lòng của Trương Đăng Dung chuẩn bị chào đời, ông bị ốm nặng. “Ra viện tôi tưởng mình sắp chết nên đã cố gắng dịch “Đứa trẻ mồ côi” làm kỷ niệm với ý nghĩ con mình sẽ mồ côi cha…”, Trương Đăng Dung cho biết. Một tác phẩm khác của văn học Thổ Nhĩ Kỳ là cuốn tiểu thuyết “Lâu đài” của Franz Kafka được Trương Đăng Dung dịch từ bản tiếng Hung cũng là tác phẩm dịch mà ông đã dành nhiều tâm sức và sự say mê. “Khi ông giám đốc Nhà xuất bản Europa tặng tôi cuốn sách này, năm 1984, ông ấy đã nói rằng anh đã dịch Truyện Kiều, một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam sang tiếng Hung, thì anh cũng nên dịch tiểu thuyết “Lâu đài” ra tiếng Việt, đây là một tác phẩm lớn của thời đại chúng ta”.

Năm 2012 này, Trương Đăng Dung có 2 lần được vinh dự nhận 2 giải thưởng cao quý. Đầu năm là Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội cho tập thơ đầu tay, giữa năm nhận Huân chương “Chữ thập vàng” của Nhà nước Hungary cho những cống hiến của ông trên lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu truyền bá văn học Hungary hơn ba mươi năm qua. “Tôi thấy hạnh phúc vì những công việc sáng tạo mà tôi lặng lẽ thực hiện nhiều năm qua, nay được xã hội ghi nhận” – Trương Đăng Dung chia sẻ khiêm tốn và giản dị.