Nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc

“Khát khao Hà Nội yên tĩnh hơn trong âm nhạc

ANTĐ - Đắc thường hay để đầu trọc. Nhưng bây giờ thì khác, Đắc tóc “xù”, cao 1m72, nặng 82kg phóng xe máy Liberty. Với anh, ngả đường nào cũng là con đường âm nhạc. Âm thanh Hà Nội là đề tài khiến Quyền Thiện Đắc say sưa. Anh dành cuộc trò chuyện với An ninh Thủ đô Cuối tuần.

- NS Quyền Văn Minh lập CLB Jazz từ 1997 và hoạt động liên tục ở 31 Lương Văn Can - địa chỉ đầu tiên và bền nhất chơi Jazz Việt Nam. Anh là trợ thủ đắc lực cho bố, vì say mê hay do kỳ vọng ký thác của ông ấy?

- Từ tháng 12-2012, Jazz Club chuyển về tầng 3, số 65 Quán Sứ, diễn hằng đêm. Tôi hiểu khát vọng của bố và cùng bố thực hiện suốt cuộc đời, khẳng định màu sắc Jazz Việt Nam trong làng Jazz thế giới.

- Không còn là “Sự toả sáng từ những vùng im lặng” như tên CD làm năm 2004, anh đang nổi bật. Tôi đã nhận ra tiếng kèn saxo quyến rũ khi anh solo tác phẩm Bolero của Ravel cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) vào tối 21, 22-2 tại Nhà hát Lớn. Đây có phải là lần đầu tiên anh biểu diễn cùng dàn nhạc?

-  Cảm ơn. Đấy không phải lần đầu, từ 16 tuổi tôi đã diễn cùng VNSO chương trình Blue sky do nhạc trưởng Nhật Fukumura chỉ huy xuyên Việt. Năm 2009, tôi diễn cùng dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và tương lai sẽ có những cuộc tiếp theo. 

- Nhà hát Lớn Hà Nội ghi nhận Anh là nghệ sĩ saxo đầu tiên của Việt Nam bỏ tiền túi mời 3 nghệ sĩ Thụy Điển sang trình tấu ra mắt CD “À ơi”.

- Tôi không quên được tháng 3-2012 “lịch sử”. Tôi đã diễn cùng bạn học Thụy Điển ngay sau đám cưới 10 ngày, một chú rể không có tuần trăng mật. Hè 2012 sang Ba Lan diễn, đưa vợ theo, bù đắp cho nàng, chúng tôi đã sang Venise, Paris và trở về thì cuối năm rồi có CD… Tình khúc buồn với 9 bài hát tê tái (Cười). CD này sản xuất cùng anh Trần Minh Tuấn (chơi piano, guitar điện), NSƯT Tấn Minh hát bài Cô đơn. Vợ tôi - Trần Khuê Anh, con gái phố Hàng Bạc là hoạ sĩ thiết kế chuyên nghiệp, giúp tôi thiết kế các bìa đĩa CD.

- Mới đây nhất, anh đã diễn cùng ban nhạc Cama của Nhật tối 2/3 vừa qua tại Trung tâm Hoa Lư, tôi thấy rất thành công. Anh tự tin về trình độ âm nhạc của mình chứ?

- Tất nhiên, tôi không ngại “đấu” với đồng nghiệp quốc tế. Muốn thế, không chỉ là giỏi chuyên môn và tiếng Anh tốt, còn phải có khát vọng chinh phục. Một nghệ sĩ chân chính sẽ không dựa núp bóng ai, phải trong sáng, lao động cật lực và có ý chí khẳng định.

- Đã có 6 CD cá nhân, dự kiến sắp tới của anh?

- Tôi đang có bản demo 2CD chưa sản xuất. Năm 2011, tôi trở lại Mỹ, có thu âm 1 đĩa cùng thầy Fred Lipsius. Tối 5-5 tới, cha con tôi sẽ diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sau xuống Nhà hát Hải Phòng. Dài hơi hơn chút nữa, tôi sẽ chơi các bài đặc sắc nhất về Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang trong CD ra năm nay và viết cho con gái, đón nó ra đời mùa Thu, mùa Hà Nội đẹp nhất, vợ chồng tôi đều sinh mùa Thu.

- Anh đã chơi nhạc tại những thánh đường nghệ thuật và cũng từng chơi nhạc ở vỉa hè 61 Lý Thái Tổ Hà Nội, hòa nhạc ở vỉa hè có phải là để cho âm thanh Hà Nội đẹp hơn? 

- Năm 2010, tôi, nghệ sĩ guitar bass Vũ Hà (con trai nhạc sĩ Văn Ký), tay trống Lê Quốc Hưng lập tam tấu Phù Sa. Chúng tôi đã diễn suốt hè 2012, 3 buổi/ tuần. Người - xe qua lại không ảnh hưởng. Chúng tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp, khi tập trung và có hứng thì tạp âm không làm phân tán, bởi khán giả vây quanh lắng nghe lịch sự. Có một cô khiến tôi cảm động. Cô chừng 50 tuổi, nói đã xem tôi diễn qua tivi, chưa có cơ hội nào được vào Nhà hát Lớn nên nhờ dự án này mà được gặp tôi. Cô lấy điện thoại ra ghi âm cuộc diễn hôm ấy, khuôn mặt toát niềm hạnh phúc!

- Nhà sử học Dương Trung Quốc nói, ông khát khao Hà Nội thiết lập lại âm nhạc đường phố, một nét đẹp mà Hà Nội có thời Pháp thuộc, khi dàn kèn từ doanh trại quân đội trong thành chơi nhạc ở Nhà Bát giác (nhà Kèn) nay là vườn hoa Lý Thái Tổ mỗi sáng. Không phải là sự ồn ã cưỡng bức thính giác bằng đủ thứ âm thanh bát nháo phản cảm, Thủ đô - thành phố văn hiến cần giảm ô nhiễm tiếng ồn, trước hết bằng sự thanh lọc âm thanh. Anh thấy sao?

- Đúng vậy, âm thanh một đô thị văn hóa nhất thiết không thể là áp lực quá mức của độ ồn giao thông, nhạc sến quán xá và tiếng người tứ xứ. Nếu lãnh đạo thành phố chủ trương triển khai, duy trì âm nhạc đường phố như các thành phố văn minh ở châu Âu, nhất định cha con tôi nhiệt tình tham gia. Các bạn tôi cũng vậy, chúng tôi là người Hà Nội và muốn đóng sức góp cho thành phố. Hà Nội có thể không tiên phong về kinh tế nhưng nhất thiết phải dẫn đầu về văn hóa. Và Hà Nội hợp với dự án âm nhạc đô thị.

- Anh tin mọi người sẽ hưởng ứng chứ?

- Chắc chắn không chỉ vì nghe nhạc không mất tiền, vì thói quen thích vây quanh khi có sự lạ, người Hà Nội sẽ thú vị, phấn khởi, yêu đời hơn khi có âm nhạc phố, tất nhiên phải chọn tác phẩm phù hợp. Tôi thích những giai điệu đẹp. Người ta ngày càng mất dần sự thành thực và lãng mạn, âm nhạc có thể bù đắp điều ấy và kết nối tất cả. Tôi có thể chơi nhạc bất cứ hoàn cảnh nào và tạo được xúc cảm cho mọi người, để họ sống và lao động hưng phấn hơn, bởi tôi luôn chú ý tìm ra cái gì chung với người nghe, tạo sợi dây đồng cảm. Âm nhạc hay, khi diễn nhạc tìm được cái chung giữa khán giả và ban nhạc, thì sự truyền cảm tác phẩm và hiệu quả cộng hưởng sẽ lớn.

- Bố anh đã bán 8 cây kèn phụ cho anh học ở trường Beerklee (Mỹ). Vì thế anh phải trở về đền đáp?

- Tôi trúng học bổng, nhưng chi phí sinh hoạt bên Mỹ đắt đỏ, nên bố phụ giúp vì muốn tôi chuyên chú học. Tuy thế, tôi vẫn thỉnh thoảng đi diễn. Khi học Thạc sĩ chuyên ngành Biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), tôi chơi nhạc nhiều hơn, cọ xát thực tế sẽ vỡ ra lắm “ngón nghề”, cách hòa nhập quốc tế nhanh nhất. Dù thế nào, tôi luôn xác định lấy vợ Hà Nội và trở về sống tại Việt Nam, dù có không ít cơ hội hấp dẫn.

- Anh sẽ học lên cao nữa hay…?

- Đi nhiều sẽ học được nhiều. Càng học nhiều càng thấy… dốt. Tôi không học nhằm dán mác học vị. Đã 34 tuổi, tôi nên dành thời gian chuyên sâu cho Jazz Việt Nam, xác lập tiếng nói riêng. Rồi còn dạy 4 buổi/tuần tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi muốn truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho học trò một cách nhiệt tâm nhất và qua đó tìm thêm bạn đồng hành bền bỉ trên con đường âm nhạc.

- Jazz Việt, định nghĩa của anh là?

- Là có bản sắc trong âm điệu. Giai điệu giản dị, sử dụng chất liệu dân gian, không phải bê nguyên hay lắp ghép, mà làm mới. Âm nhạc dân gian Việt Nam phải xử lý bằng học thức, kỹ thuật Jazz Mỹ, châu Âu mà tôi đã học ngay từ lúc sáng tác đến hòa âm, phối khí, nhằm tạo sự tương xứng giữa chất liệu và vòng hòa thanh, một kết hợp hài hòa của âm nhạc Việt Nam với diễn tấu hiện đại.

- Được biết anh có lời mời vào TP Hồ Chí Minh làm việc, lương hậu, có chỗ ở. Anh sẽ xa Hà Nội?

- TP Hồ Chí Minh là thị trường âm nhạc lớn nhất, nhưng tôi không  bỏ Hà Nội. Chỉ vào Nam cộng tác dạy, diễn - tôi yêu Hà Nội. Còn dự án chơi nhạc trên phố Hà Nội cho đến khi thành phố ắp đầy tình khúc và tăng khách quốc tế đến đây vì... mê chuộng âm thanh đường phố nữa chứ!

- Anh bảo ước mơ mọi con đường của Hà Nội đều thành con đường âm nhạc. Ngay bây giờ anh có cảm hứng chơi nhạc ở đâu?

- Gần hồ Gươm, bên nữ CSGT được không? Tôi muốn thổi những tình ca đẹp tặng các nữ chiến sĩ CSGT, cảm ơn họ mấy tháng qua điều khiển giao thông ở quận trung tâm Hà Nội. Giao thông ở ta lắm hiểm họa, đường sá chật chội, đi lại không ai chịu ai, khỏe như tôi mỗi lần ra đường về là mệt nhoài. Ấy thế mà khi có nữ CSGT, tôi thấy người ta đi lại bình tĩnh,  tâm trạng thư thái hơn. Chắc chắn các nữ CSGT xử lý mềm mại hơn đồng nghiệp nam và dưới sự điều kiển của họ, dòng di chuyển hiền hòa hơn.

“Khát khao Hà Nội yên tĩnh hơn trong âm nhạc ảnh 2

Thạc sĩ Quyền Thiện Đắc là nghệ sĩ kèn xuất sắc nhất Việt Nam ở thế hệ của anh. Sinh năm 1979, chàng trai Hà Nội này hưởng di truyền âm nhạc từ bà nội và cha. Có tài và được đào tạo bài bản quốc tế, tên Đắc làm sáng thêm tên cha, khi cùng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; cùng xây dựng Jazz Việt bằng sáng tác và biểu diễn ở trình độ quốc tế.