Dựng lại chân dung người đàn bà đa đoan và những lời đồn đại

ANTĐ - “Me Tư Hồng”- cuốn sách thứ tư “đậm đặc” Hà Nội nhưng lại là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến vừa được NXB Trẻ giới thiệu tới bạn đọc. Cuốn sách viết về một nhân vật có thật ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một phụ nữ xinh đẹp, quyền lực, quyết đoán nhưng cũng rất đa đoan. Ngoài những dòng ít ỏi sử sách còn ghi, bao quanh bà Tư Hồng là vô số những lời đồn đại, thực hư thế nào không thể kiểm chứng. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Dựng lại chân dung người đàn bà đa đoan và những lời đồn đại ảnh 1
Bức ảnh bà Tư Hồng chụp tại trước cửa nhà - ngõ Hội Vũ 
(Ảnh do nhà sử học Dương Trung Quốc tìm được trong bộ sưu tập Albert Kahn (1915-1918)

- Tôi rất thích cách đặt vấn đề của nhà văn Nguyễn Trương Quý khi nói về tiểu thuyết “Me Tư Hồng”: “Hơn trăm năm rồi, người ta vẫn hỏi, cô Tư Hồng là người có công hay có tội”. Còn anh, là tác giả của cuốn sách, anh thấy nhân vật Tư Hồng công, tội thế nào?

- Nhiều người khinh bỉ Tư Hồng, vì bà đi ngược lại đạo đức truyền thống, ngược lại các quan niệm Nho giáo, lấy viên  quan Tư người Pháp, dù trước đó bà đã có tới 2 đời chồng. Nhiều người nhắc đến Tư Hồng như tội đồ, vì công ty của bà trúng thầu phá tường thành Hà Nội, biểu tượng của xã hội phong kiến Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người thầm ngưỡng mộ người phụ nữ An Nam đã vượt mặt các công ty của Pháp, của Hoa thương  để khẳng định trí tuệ  An Nam trên chính mảnh đất đang là thuộc địa. Dưới góc nhìn của ngày hôm nay, tôi thấy đây là người đàn bà có ý chí và nghị lực với mong muốn  thoát khỏi đói nghèo, cứu giúp người khốn khổ. Còn việc phá tường thành Hà Nội thì phải rõ ràng ra thế này, lúc đó chính quyền thực dân phong kiến đã quyết rồi, nếu công ty của Tư Hồng không thắng thầu thì công ty của người Hoa, người Pháp cũng sẽ thắng và họ sẽ phá thôi. 

- Viết tiểu thuyết chân dung này khó nhất là nhân vật đã sống cách nay cả trăm năm. Hẳn anh phải tự tin về những tài liệu mà anh có?

- Cuối thế kỷ XIX, ở Bắc Kỳ hoàn toàn không có báo chữ  quốc ngữ  mà chỉ có vài tờ báo tiếng Pháp và một  tờ báo chữ Hán. Nói thật là Tư Hồng đối với báo chí Pháp lúc đó không có ý nghĩa gì nhiều vì bà không thuộc đối tượng phản ánh. Trong hồi ký của Toàn quyền Đông Dương Lanessan (1891-1894), ông này có nhắc đến công ty của Tư Hồng trúng thầu phá thành Hà Nội. Do vậy chuyện về Tư Hồng chỉ được lưu truyền trong dân gian. Thập niên 30 và 40 thế kỷ XX, báo chí mới khai thác chuyện Tư Hồng, những người theo Nho giáo thì phản đối còn những người có tư tưởng mới thì ngợi ca. Sau 1954, chuyện Tư Hồng được viết trong “Bóng nước hồ Gươm” của nhà nghiên cứu, nhà văn Chu Thiên, “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, rồi “Chuyện kể bên dòng sông Tô” của Viên Mai Nguyễn Công Chí… 

Dựng lại chân dung người đàn bà đa đoan và những lời đồn đại ảnh 2

- Tiểu thuyết này có bao nhiêu phần trăm hư cấu?

-Rất khó để nói là bao nhiêu phần trăm, tuy nhiên dù có hư cấu thì cũng mang tinh thần của nhân vật này.

- Đọc sách anh viết tôi thấy các nhân vật nam đều rất mờ nhạt, dù đó là người chồng đầu tiên bị Tư Hồng đột ngột bỏ rơi, sau này tình cờ gặp lại hay Laglan người chồng thứ ba rời bỏ Việt Nam trong đau khổ?

- Đây là cuốn tiểu thuyết chân dung, nếu xây dựng các nhân vật phụ có tính cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nhân vật chính thì nhân vật chính sẽ bị mờ đi, như thế tiểu thuyết sẽ thất bại. Nhà văn Nguyễn Việt Hà đọc xong nói với tôi rằng, nhân vật người chồng Pháp trong tiểu thuyết rất khác với những  người Pháp thực dân trong các cuốn sách khác. Thực tế có rất nhiều người Pháp dù theo chân đoàn quân viễn chinh xâm lược thuộc địa nhưng họ rất yêu văn hóa Việt Nam. Cho đến giờ, dấu ấn của Me Tư Hồng vẫn hiện hữu trên đất  Hà Nội, biệt thự của bà ở ngõ Hội Vũ vẫn còn, dù bị biến dạng hay trường THPT Việt Đức, bệnh viện Việt Nam - Cuba xây bằng gạch do bà phá tường thành. Gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc còn cho biết thêm, chính bà là người xây tường bao quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

- Có cảm giác khi viết anh bỗng bỏ lửng chi tiết, ví như khi phá thành Hà Nội, Tư Hồng tìm được cả hũ bạc nén nhưng rồi cho người nhà lấp lại và… quên. Điều đó có vẻ khiên cưỡng và thiếu thực tế?

- Khi thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), quan Bố chánh đã sai chôn tiền, bạc. Chiếm được thành, quân Pháp đã tìm thấy tiền chôn, chuyện này được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn chép lại  trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”. Lần đánh thành Hà Nội năm 1882, lợi dụng một số đoạn tường bị đổ, một số người trong đó có cả lính Pháp vào trong thành tìm kho bạc nén và tiền và đã bị bắt. Để ngăn kẻ đào trộm, quân Pháp đóng trong thành đã cho rào chông, trong triển lãm ảnh của toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau (1895-1896) tại Thư viện Quốc gia do Tạp chí Xưa & Nay tổ chức mới  đây, có 2 tấm ảnh chụp chỗ tường đổ có rào.

Dựng lại chân dung người đàn bà đa đoan và những lời đồn đại ảnh 3

- Sau “Me Tư Hồng”, anh có tiếp tục viết tiểu thuyết chân dung nữa không?

- Tiểu thuyết vốn không phải sở trường của tôi. Tôi đã dẫn dắt người đọc tìm hiểu về Hà Nội qua một số cuốn sách như “5678 bước quanh hồ Gươm”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”. Tới đây tôi sẽ xuất bản thêm một cuốn nữa với tựa đề “Vòng quanh Hà Nội”. Có lẽ, sau đó tôi sẽ chuyển sang viết kịch bản sân khấu. Viết kịch bản sân khấu tôi tự tin hơn viết tiểu thuyết (cười).

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!