Đủng đỉnh “Đi ngang Hà Nội”

ANTĐ - Quen Nguyễn Ngọc Tiến đã lâu, thi thoảng anh em có dịp ngồi cà phê bàn luận chuyện đời, chuyện nghề… thế nhưng, trong mắt tôi, Nguyễn Ngọc Tiến vẫn cứ là người khó gần. “Mặt lạnh” khiến người đối diện ít khi đoán được tâm trạng, lúc nào anh vui, lúc nào buồn. Mấy năm trước, anh đột ngột trình làng cuốn sách với cái tên “5.678 bước chân quanh hồ Gươm”, trăm thứ liên quan đến hồ Gươm anh đều thu vào cuốn sách nhỏ, giọng văn hài hước, nhẩn nha, thế mới hay, giữa văn và người nhiều khi… không liên quan đến nhau.

Chuyện cũ kể lại

Sau “5.678 bước chân quanh hồ Gươm”, mới đây nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lại cho ra mắt bạn đọc cuốn sách thứ 2 - “Đi ngang Hà Nội”. Nếu bạn đọc đã từng tiếp cận Hà Nội qua cả trăm cuốn sách như lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, rồi món ăn, rồi con người… thì đọc những gì Nguyễn Ngọc Tiến viết, hay nói đúng hơn Hà Nội qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tiến chỉ là những chuyện đời thường, tưởng như rất nhỏ, nhưng không phải người hiểu Hà Nội nào cũng biết.

Trong lúc “Đi ngang Hà Nội”, Tiến kể về “sự tích” bia hơi. Giọng kể chậm rãi pha chút tưng tửng, hài hước, tôi dám chắc rằng, những ai nóng tính hẳn đọc sẽ phát tức, cố đọc cho nhanh để biết được trang sau anh viết cái gì. Viết về bia hơi, không đi vào thẳng chủ đề mà đi đường vòng, nào trước khi có bia, người Hà Nội uống gì, rồi nhà máy bia xây dựng ra sao, công nhân nhà máy uống bia trộm mặt đỏ tưng bừng thế nào, rồi đến chuyện bia mậu dịch, một cốc bia ngoài kèm lạc và trăm thứ bà rằn khác, có lúc còn bán kèm cả đầu sư tử cho trẻ con chơi trung thu. Cứ nhẩn nha, Nguyễn Ngọc Tiến còn kể những chuyện khác xung quanh cái thú uống bia của người Hà Nội về bà Thừa bán nộm, bà Thiếu bán đậu phụ, rồi bà Phân bán ốc ở vườn hoa Cổ Tân. Thời đó, thiếu 3 bà này, dân uống bia Cổ Tân xem chừng buồn lắm. Rồi bia - tức là “đầu vào”, thì phải có “đầu ra”, thế là trăm kiều “tường đè” của dân nhậu. Những người trẻ tuổi như tôi bây giờ, ngạc nhiên khi biết được, thời đó, “tường đè” bừa bãi, nếu bị cơ quan chức năng bắt được sẽ phải nộp phạt 3 hào. Có giai thoại, một ông bậy ngoài đường, bị bắt quả tang, ông đưa tờ 5 hào ra nộp phạt, người thu vé phạt khi đó không có tiền lẻ trả lại, chẳng biết làm thế nào, ông lôi đứa cháu 3 tuổi ra bảo “Thôi để cháu tôi tè nốt đỡ phải trả lại”.

Những chuyện “tế nhị” kia, Nguyễn Ngọc Tiến đề cập rất duyên nhưng không kém phần phởn phơ. Có lẽ, Tiến cũng là người lần đầu viết sách kể tỉ mỉ tường tận về chuyện gái điếm có ở Hà Nội từ bao giờ, những ai là người đầu tiên hành nghề này, lại vẫn cái “kiểu vòng vo Tam Quốc”, “con tằm ăn lá dâu, nhả tơ”, anh mang đến cho bạn đọc thông tin về bệnh xã hội xuất hiện ở Hà Nội như thế nào, rồi xóm “me Tây”, phố “nhà thổ” và cả chuyện cave chuyên nghiệp thời nay…

Cả một cuộc sống của người Hà Nội những năm sau hòa bình lập lại được tác giả Nguyễn Ngọc Tiến dựng lên bắt đầu từ xe đạp, xe máy, rồi ô tô, xích lô cho đến chuyện nhà tập thể đầu tiên có “chuồng cọp”, chuyện xoa bóp, tẩm quất, chuyện phở có người lái và không người lái, rồi phận đời những người hành nghề hát xẩm, bến tàu điện, chợ Đồng Xuân…

Đọc “Đi ngang Hà Nội” không ít người sẽ tò mò, không hiểu tác giả lấy đâu ra tư liệu độc đáo này, có đoạn anh trích cả văn bản dấu má hẳn hoi… bởi những chi tiết anh đưa ra trong sách có “tài thánh” cũng không bịa được. Hóa ra, cái tình yêu anh dành cho Hà Nội không phải kiểu “sét đánh” đùng một cái thích là viết mà có đường đi nước bước hẳn hoi, lúc nào thì thu thập tài liệu, lúc nào thì viết, lúc nào thì ra sách. Anh có cái may mắn, là được tiếp cận một số tài liệu về Hà Nội của Viện Viễn đông Bác cổ, rồi mò từ nguồn Công báo… Và đáng trân trọng nhất là Nguyễn Ngọc Tiến đã mày mò kết nối, xâu chuỗi những sự kiện, thời gian, cứ thế mà “nhặt” ra được biết bao điều thú vị.

Sau đi ngang sẽ… đi dọc

Đồng nghiệp báo chí hay văn chương không lạ gì Nguyễn Ngọc Tiến. Vài năm trước nhiều người “si mê” cái quán cà phê Báo của anh ở 62 Trần Quốc Toản. Anh mở quán bán cà phê thì ít mà chủ yếu là bày biện những thứ đồ dùng thời bao cấp, những thứ mà ở năm 2001 được cho là “lỗi thời”. Nào tem phiếu, nào xe đạp, bi đông đựng nước… Cả trăm món đồ cũ rích, nhưng anh nâng niu như báu vật. Sau 8 năm hoạt động, quán phải buộc đóng cửa vì không có mặt bằng. Căn nhà anh ở vốn chật, những kỷ vật thời chiến tranh, thời bao cấp anh sưu tầm được phải gửi ở nhiều nơi. Có dạo, anh khoe với tôi, anh sẽ mở quán cà phê mang tên Chí Phèo đoạn cuối đường Khuất Duy Tiến (bây giờ là đầu Đại lộ Thăng Long) vì thấy có mấy cái lò gạch… đẹp quá. Ăm ắp ý tưởng là thế, nhưng khi đến hỏi thuê, người ta bảo chuẩn bị đập lò gạch để xây một trụ sở gì đó. Không còn lò gạch đồng nghĩa không có Chí Phèo. Dự định của anh bỗng tan đi.

Nguyễn Ngọc Tiến là người Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở phố Vọng, nhưng cứ hễ bảo anh là người Hà Nội gốc anh đều xua tay: “Không, tớ chỉ là dân ven đô thôi”. Cái dạo anh ra cuốn “5.678 bước quanh hồ Gươm”, nhiều người tò mò về cái tựa sách với những con số “bí hiểm”. Anh cười, rất đơn giản, anh công tác ở Báo Hà Nội Mới, thi thoảng có dịp tản bộ quanh hồ Gươm anh đều đếm bước chân của mình. Lúc bước dài lúc bước ngắn, nhưng đại khái là vòng quanh hồ Gươm sẽ khoảng trên dưới 5.678 bước. Vòng quanh hồ Gươm hơn năm nghìn bước chân cùng Nguyễn Ngọc Tiến, nghe anh rủ rỉ kể những di tích văn hoá, lịch sử. Chuyện từ chùa Báo Ân đến Bưu điện Hà Nội, về đền Ngọc Sơn, chuyện Rùa, từ nhà hàng Goddard đến bách hoá tổng hợp... Thú vị hơn khi nghe kể những chuyện về các nhân vật ven hồ, từ người may comple cho các chính khách, nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Rồi với “Đi ngang Hà Nội” tiếp tục với đầy ắp chi tiết, chi tiết từ trong sách sử, từ “nhớ và ghi” qua lời người khác, đến những chuyện mà bản thân tác giả là nhân chứng. Những hồi ức, kỷ niệm thuở ấu thơ, được tác giả đưa vào một cách ngọt ngào.

Hỏi Nguyễn Ngọc Tiến, rằng sau “đi ngang” liệu có “đi dọc” nữa không. Anh bảo, có chứ, sẽ có một cuốn sách “Dọc bên Hà Nội”. Sách này anh tiếp tục bàn về những chuyện nào thuốc phiện, heroin, rồi rượu - có mấy ai biết được nhà văn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Phùng Quán uống rượu thế nào… Anh bật mí, cuốn sách tới đây còn bàn đến cả chuyện răng trắng, đến những hàm răng ngấm tetracycline, và còn cả chuyện hoa Hà Nội, đặc biệt là lịch sử hoa đào, vì sao những năm 1954 - 1955 hoa đào bị coi là hoa tư sản, rồi còn cả chuyện ít người biết hơn cả là dân chơi chứng khoán kiêng hoa đào vì sợ màu đỏ nở “đỏ sàn”.

Nhiều bạn văn đọc “Đi ngang Hà Nội” bảo Nguyễn Ngọc Tiến đã mở ra một hướng mới viết về Hà Nội, không bàn đạo đức, tốt xấu, không nói nhiều về lịch sử ngoại xâm hay kháng chiến mà chỉ nói những gì đã từng thuộc về Hà Nội mà thôi.