Nhà thơ Chử Thu Hằng:

“Cởi cho mộng mị qua cầu gió bay…”

ANTĐ - Người phụ nữ ấy lúc nào cũng tươi tắn khi gặp bạn bè, khi đến những buổi găp gỡ của giới văn nghệ sỹ. Chử Thu Hằng trẻ hơn tôi dăm tuổi, và dù đã là mẹ chồng của hai nàng dâu nhưng đến đâu các cháu cũng chỉ chào là chị.

“Cởi cho mộng mị qua cầu gió bay…” ảnh 1

Quê nội Chử Thu Hằng ở Thanh Trì, ở đó còn mộ cụ Tổ từ năm 1365. Mẹ chị từng đi văn công, làm liên lạc cho Việt Minh dọc vùng sông Đáy quê hương. Hội làng năm ấy, cha chị về xem hội đã phải lòng cô gái đẹp nhất làng, nhờ bà hàng nước đánh tiếng, làm mối giúp. Nên vợ thành chồng, cha mẹ chị lập nghiệp ở phố Hàng Đào và sinh chẵn chục người con. Thừa hưởng ở cha mẹ sự tháo vát - dùng từ bây giờ là năng động trong công việc và đảm đang trong thu vén gia đình, Chử Thu Hằng đã tạo dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc và dành nhiều tâm huyết với văn chương. 

Chị gặp chồng khi hai người cùng sống ở Praha (CH Séc). Chị đi học, anh đi xuất khẩu lao động. Tấm ảnh gia đình chị kỷ niệm 30 năm ngày cưới thật đẹp. Cả ba đôi, đôi bố mẹ và hai đôi con trai, con dâu cùng rạng ngời hạnh phúc. Khi tôi hỏi chị - anh ấy có làm thơ, viết văn gì không? Chử Thu Hằng cười tươi: “Nhà em chỉ là người lao động bình thường. Anh ấy nhân hậu, vui tính lắm chị ạ. Nhà em không thơ phú gì nhưng tôn trọng và ngưỡng mộ vợ. Với anh ấy, em là thần tượng”.

Nghe chị nói vậy về gia đình, nhất là về chồng thật cảm động và tôi chợt nghĩ lúc còn trẻ, lúc đang yêu ta là thần tượng của nhau, khi đã là vợ chồng thì hình ảnh thần tượng đó thường phai nhạt; có mấy ai được như Hằng - là thần tượng duy nhất, trọn đời của chồng mình. “Mọi người cứ nghĩ em chắc yêu nhiều. Chị có tin không, em chỉ yêu đơn phương đúng hai lần và có lẽ, chỉ được một người duy nhất yêu là chồng em”. Phụ nữ hạnh phúc khi lấy người yêu mình hay lấy được người mình yêu? Điều đó không dễ phân định bởi hạnh phúc thật khó mà định nghĩa. “Kể cho chị nghe, đừng cười em nhé. Ngày ấy em còn trẻ lắm, đang chuẩn bị thi đại học bỗng thích một người - đơn phương thôi, rồi suốt ngày loay hoay làm thơ. Thế người ta có biết không? – Trước thì không, sau này mới biết. Em thi đại học Tổng hợp văn thiếu nửa điểm, trượt vì mải làm thơ vẩn vơ, ôm hận mãi mấy chục năm đấy”.

Hằng đọc cho tôi nghe bài thơ chị viết năm xưa, tám lần chiều thứ Bảy cô thiếu nữ đã là chiếc áo hoa xanh đẹp nhất để mặc và đợi chờ một người không đến - Tám lần là áo, tám tuần trôi. Như thế có phải là yêu không nhỉ? Ô, nếu như vậy tính là lần yêu thứ nhất thì những kẻ tình si trong thơ yêu biết bao nhiêu lần. Nhưng đấy là những cảm xúc đầu đời đẹp nhất mà người ta ấp ủ, để làm thi hứng cho thơ. Làm thơ từ lúc thiếu nhi, có thơ đăng báo Thiếu niên Tiền phong ngày ấy, mê mải với thơ tình khi là cô thiếu nữ và cũng đến lúc tự nhủ mình - Ừ, thôi/ Khép lại miền đau/ Cởi cho mộng mị qua cầu gió bay. Cái thời con gái mộng mơ ấy khép lại cho hạnh phúc được đầy đủ vẹn toàn. Rồi ròng rã 30 năm làm việc cật lực cùng chồng nuôi con ăn học, rảnh rỗi lúc nào lại cầm quyển sách trên tay, trốn vào trang sách để quên hiện thực.

50 tuổi, không còn phải lo cơm áo, việc gia đình tạm ổn, Chử Thu Hằng trở về với niềm say mê của mình là văn chương. Bao tâm tư dồn nén bỗng chốc bật ra. Chị làm thơ, viết văn, từ blog người bình thường sang chuthuhang.net với gần hai mươi vạn lượt truy cập. Các bài viết của chị tập hợp trong hai tập thơ, một tập tản văn và các hoạt động tích cực của chị trong Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống, trong Lucbat.com và trên các trang mạng đã cho chị một chỗ đứng xứng đáng trong Hội Nhà văn Hà Nội. 

Bây giờ, không được ai trả lương, chị vẫn miệt mài làm việc. Chị đi làm từ thiện, tham gia quản trị vài trang mạng, biên tập thơ văn, cùng bạn bè tổ chức các sự kiện, lập Công ty Tác phẩm mới để xuất bản các loại sách. Khó đấy, khi văn chương bây giờ, nhất là thơ, là những báo, tạp chí văn chương - chưa bàn hay dở -  người viết thì nhiều mà người mua thì ít. Chử Thu Hằng với niềm đam mê từ thuở nhỏ của mình vẫn cứ viết, cứ làm, vượt qua khó khăn về vật chất và những lời bàn. May mắn hơn, chị có nhiều bậc trưởng lão, nhiều bạn bè hiểu và ủng hộ, góp bài, góp tên để làm vui sân chơi văn chương và cũng để thỏa mãn đam mê của chính mình.