Cảnh báo cho mọi người phải nghĩ

ANTĐ - Sự kiện 2 họa sĩ Thành Chương, Đào Châu Hải tuyên bố rút khỏi Ban Chấp hành (BCH) Hội Mỹ thuật Việt Nam ngay khi vừa được bầu tại Đại hội khóa VIII đã khiến dư luận băn khoăn, đặt ra nhiều câu hỏi. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thành Chương.

Cảnh báo cho mọi người phải nghĩ ảnh 1

- Có ý kiến cho rằng việc ông xin rút khỏi BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam lần này xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân?

- Họa sĩ Thành Chương: Tôi phải nói thẳng rằng, tôi không hề có mâu thuẫn gì với anh Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - PV) cả. Trước khi Đại hội diễn ra, anh em họa sĩ chúng tôi gặp nhau và trao đổi rất nhiều. Ý kiến của tôi cũng như của nhiều anh em khác là: Đại hội lần này phải đưa được một nửa anh em trẻ vào trong BCH, đặc biệt là bầu được vị Chủ tịch Hội mới để chúng ta không chỉ duy trì phong trào mà còn phát triển nghệ thuật đỉnh cao. Cuối cùng thì Đại hội đã diễn ra như mọi người biết. Những hoạt động mang tính nghề nghiệp chuyên sâu trong 5 năm qua chẳng có gì để nói. 5 năm trước cũng thế. 5 năm trước nữa cũng vậy. Và 5 năm sắp tới tôi nghĩ cũng không thể khá hơn, bởi vẫn con người ấy thích làm phong trào ấy, tư duy phong trào ấy, đó là chưa kể tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng kém đi.

- Phải chăng ông muốn “quăng bom” để phát những tín hiệu cảnh báo?

- Quả thật, nhìn Hội Mỹ thuật Việt Nam với bộ máy cũ kỹ, lạc hậu không phải thực sự lo toan cho sự phát triển của mỹ thuật thì cứ ngồi trong BCH là việc hết sức chán. Tôi cũng phân vân, nhưng nếu mình tiếp tục ngồi đấy mà không đóng góp được gì thì cũng không nên. Tôi rút lui là hành động bày tỏ chính kiến, thái độ. Nó là một sự cảnh báo cho mọi người suy nghĩ. Tôi không phủ nhận mỗi hội nghề nghiệp đều có mục đích chính trị. Nhưng đã là một hội nghề nghiệp, nhất là Hội Mỹ thuật Việt Nam thì mình phải đặt nghệ thuật lên trên hết. Người nghệ sĩ phải có lương tâm nghề nghiệp, có trình độ cao và trách nhiệm lớn, cũng như phải có tài năng. Khi tác phẩm của anh đích thực có giá trị nghệ thuật thì anh mới phục vụ tốt mục đích chính trị được. Bấy lâu nay chúng ta chỉ chú trọng làm phong trào, chứ không thực sự quan tâm đến sự sáng tạo nghệ thuật. Đấy không phải là sự ổn định mà là sự sáo mòn và trì trệ. Bây giờ tôi nhận ra một điều quan trọng là: những họa sĩ như tôi chuyên nghiệp trong nghề nhưng lại quá nghiệp dư trong chính trường và ngược lại.

- Liệu ông có bi quan quá không?

- Tôi không bi quan chút nào! Tôi cho rằng người đứng đầu hội nghề nghiệp không nên giữ ghế quá lâu, quá tuổi rồi vẫn tham quyền cố vị ngồi đấy. Điều ấy không chỉ tạo tiền lệ xấu, mà còn vi phạm quy định của Trung ương về việc bố trí nhân sự đứng đầu các hội văn học nghệ thuật. Quy định thì có nhiều thứ, nhưng có hai cái cơ bản mà các hội văn học nghệ thuật của ta mắc phải, đó là người đứng đầu không được làm quá 2 nhiệm kỳ, không được làm quá tuổi 65, trường hợp đặc biệt cũng không được quá tuổi 70. Thế nhưng đã thành tiền lệ xấu là cứ làm liền tù tì 3, 4 khóa. Đến khi có người thắc mắc thì lại nói “chỗ này chỗ kia người ta cũng thế, chứ có phải riêng chỗ tôi đâu”. Rồi lại xuề xoà: cái hội văn học nghệ thuật ấy mà, có phải cái gì quan trọng đâu.

- Xin cảm ơn ông!