Càng ồn ào càng thấy cô đơn

ANTĐ - Nhận mình là cánh chim ngược gió giữa cuộc sống ồn ào, đọc Lương Đình Khoa chỉ thấy dằng dặc nỗi buồn, nỗi cô đơn. Hỏi vì sao tuổi trẻ lại buồn thế, anh chỉ nói: “Có buồn mới trân trọng những niềm vui”. 

Càng ồn ào càng thấy cô đơn ảnh 1

Không ngại phơi bày

Nếu không đọc những dòng văn nhiều xúc cảm, nhiều xót xa của Lương Đình Khoa trong tập tản văn - truyện ngắn “Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc”, không nghĩ ngoài đời anh là một con người cởi mở, xởi lởi đến thế. Hết tự tay pha nước, mời ăn hoa quả, thấy chưa đủ, anh còn tuyên bố “đãi nhà báo” một bữa… lạc luộc.

Thấy tôi ngạc nhiên, anh chỉ cười, “mình thoải mái với người ta thì tự khắc sẽ thoải mái với mình thôi”. Không nhận mình là người nổi tiếng, nhưng từ khi là Trưởng bút nhóm “Hương Nhãn” nổi danh của Báo Thiếu niên Tiền phong một thời cho đến khi là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lương Đình Khoa đã được nhiều bạn đọc trẻ cùng thời mến mộ. Chẳng thế mà đã có lần vì ngưỡng mộ tài năng của chàng trai gốc Hưng Yên, một cô gái cùng tuổi đã quyết tâm thi bằng được vào khoa Xuất bản trường Báo nơi anh học, chỉ để được có cơ hội… học cùng khóa với “thần tượng”.

Cô bạn ngưỡng mộ Lương Đình Khoa đến nỗi sưu tập và treo toàn thơ của anh trong phòng, thậm chí nhiều lần đến tận nơi anh trọ trên đường Phạm Văn Đồng để chơi. Duyên số run rủi thế nào, khi ra trường, cô bạn ấy lại kết hôn với anh bạn… cùng phòng trọ với Khoa. Có lẽ cũng là “duyên” và “phận” chưa tới, như tác giả đã đôi lần giãi bày trong tác phẩm. 

Lương Đình Khoa không ngại “phơi bày” toàn bộ đời sống của mình trên những trang viết. Từ gia cảnh, thân thế, cho đến những mối quan hệ mà anh gặp được trong cuộc sống, tất tần tật đều được sẻ chia trong những dòng văn anh viết. Từ cuộc hành trình về căn gác Trịnh cùng nữ nghệ sỹ guitar già, cho tới mối lương duyên khó gặp với nhạc sỹ Phú Quang, nhạc sỹ Đỗ Bảo… Thật thà, không sống sượng, anh thổ lộ lòng mình với người, với đời. Sự “chẳng giữ cho mình” ấy có lẽ khó tìm được giữa vòng xoáy văn học hiện nay, đôi khi nhiều toan tính, thiệt hơn mà quên đi những điều giản dị, chân tình. 

Càng ồn ào càng thấy cô đơn ảnh 2

“Thơ giờ đã bán được”

Trước khi tạo được tiếng tăm với thơ, Lương Đình Khoa đã trăn trở với nghiệp viết lách. Ra trường, 4 năm gắn bó với trang báo điện tử dành cho giới trẻ, một thời gian sau, anh kiêm luôn vai chủ quán trà đạo mang tên “Nghiêm hoa trà”.

Đây cũng là thời gian anh phải “bỏ văn chương lại” để bươn chải với cuộc sống. Nhưng văn đã ngấm vào máu, ngay cả lúc bận bịu, anh vẫn thường tranh thủ sáng tác. Thế là tập “Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người” ra đời, góp nhặt những cảm xúc của tuổi 24, khi đã bước những bước đầu tiên khỏi ghế nhà trường, cho đến khi gần cập bến 30, cái mốc quan trọng của cuộc đời. Anh tâm sự, thơ trẻ giờ đã bán được, vì thơ tự do hơn, nói được tiếng lòng của người trẻ, những người đã từng đi qua tuổi trẻ, chứ không gò bó như trước.

10 năm trước, anh tự bỏ tiền túi để in tập thơ đầu tay “Khuôn mặt tình yêu”. Chăm chút, thậm chí hao tài tốn của vì nó, nhưng rồi tự thấy như một món quà lưu niệm, gặp ai cũng tặng, mà chẳng biết thực lòng người ta có quan tâm, có “cảm” thơ của mình không. Nhưng cũng chính vì thế, anh tìm cho thơ của mình một đời sống riêng, bằng cách làm những video về thơ. Không chỉ toàn là chữ nghĩa, thơ anh có nhạc, có cả hình, vì vậy mà độc giả trẻ mới biết đến nhiều hơn. 

Đúng như nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá đã nhận định, “Văn của Khoa đang nghiêng về phía ngọt ngào. Đẹp. Hiền lành. Nhiều thương cảm”. Chính bản thân anh cũng tâm sự, qua cái ngưỡng 30, muốn mình sần sùi, gai góc, sắc lạnh hơn, chứ không “hiền hiền” mãi được. Nhưng như Lương Đình Khoa tâm sự, không may anh đóng vai là kẻ nặng tình, mà người nặng tình, trọng tình thì dễ hụt hẫng, chơi vơi. Đến độ, có đi mỏi gối chồn chân, chẳng biết góc sân nào thực sự là của riêng mình.