Nghệ sỹ vỹ cầm nổi tiếng Hoa Kỳ - Stefan Jackiw:

Ấn tượng bởi sự nồng nhiệt của khán giả Thủ đô

ANTĐ - Tốt nghiệp Đại học Harvard khoa Tâm lý học nhưng Stefan Jackiw lại được biết là một nghệ sỹ solist violon nổi tiếng Hoa Kỳ. Lần thứ hai trở lại Hà Nội, Stefan Jackiw sẽ mang tiếng đàn trong trẻo, âm sắc và kỹ thuật hoàn hảo tới khán giả Thủ đô trong chương trình hòa nhạc đẳng cấp và sang trọng - Hennessy lần thứ 19. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

Chơi nhạc để thể hiện bản thân

- PV: Lần thứ hai trở lại Hà Nội, anh bị thôi thúc bởi điều gì?

- Nghệ sỹ Stefan Jackiw: Năm 2011, tôi tới Hà Nội và biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả Thủ đô làm tôi vô cùng ấn tượng. Dù chỉ có vài buổi tối được ra ngoài thăm thú Hà Nội nhưng tôi rất thích và mong muốn được quay trở lại. Hơn thế, được mời biểu diễn cùng nghệ sỹ dương cầm Anna Polonsky (Mỹ), bao giờ tôi cũng nhận lời. Bởi được song tấu cùng chị luôn là nguồn cảm hứng bất tận  với tôi. 

Ấn tượng bởi sự nồng nhiệt của khán giả Thủ đô ảnh 1
- Anh từng tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học trường Đại học Harvard. Đã có sự chuyển hướng nào khi giờ đây anh là một nghệ sỹ vỹ cầm nổi tiếng? 

- Không hề có sự chuyển hướng đột ngột nào trong suốt quá trình tôi đến với âm nhạc. Tâm lý học là lĩnh vực tôi quan tâm bên cạnh âm nhạc cổ điển. Chỉ khi được chơi nhạc, tôi mới thực sự được sống hết mình, được say mê và được thể hiện những nét riêng của cá nhân. Tình yêu với âm nhạc của tôi lớn lên cùng năm tháng. Bố mẹ tôi là những nhà vật lý nhưng họ rất yêu âm nhạc. Tôi thường được bố mẹ dẫn đi nghe các buổi hòa nhạc và cả gia đình thường nghe nhạc cổ điển. Khi lên 4 tuổi, tôi được tặng một chiếc đàn violon và sau đó bố mẹ đã cho tôi học đàn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo sự nghiệp khoa học. 


Học vấn, vốn sống giúp tôi thành công
- Tâm lý học có giúp anh trong việc truyền cảm hứng âm nhạc đến người nghe?

- Tâm lý học không thay đổi phong cách chơi đàn của tôi. Tôi nghĩ, không chỉ trong âm nhạc mà ở các lĩnh vực khác cũng vậy, vốn sống được tích lũy bằng học vấn, các mối quan hệ xã hội sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thành công của mỗi cá nhân. Đặc biệt, với âm nhạc, nền tảng học vấn và vốn sống sẽ giúp người nghệ sỹ có nhiều cách thể hiện phong phú trong âm nhạc. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ, các nhạc sỹ nổi tiếng dù họ được đào tạo bài bản hay tự học thì đều là những người ưa khám phá, luôn muốn tìm hiểu về cuộc sống, đấy là cách họ sẽ mang những trải nghiệm trong âm nhạc. 

- Tại đêm nhạc Hennessy lần thứ 19, anh và nghệ sỹ dương cầm Anna Polosky sẽ truyền đến người xem niềm vui, cảm hứng sống hay thông điệp nào? 

- Qua 4 tác phẩm biểu diễn trong chương trình, tôi và chị Anna sẽ đưa khán giả đi qua miền cảm xúc của sự đau khổ, thất vọng, thảm kịch rồi chợt lóe lên niềm hy vọng, sức sống căng tràn ở cuối con đường. Âm nhạc khi căng lên bởi cảm xúc dữ dội, vật vã đấu tranh trong mỗi con người rồi lại trong trẻo, hân hoan trong những giai điệu tươi vui, nhẹ nhõm. Tôi là một trong những người lên ý tưởng cho chương trình và thay vì lựa chọn các tác phẩm có phong cách lãng mạn dễ nghe, dễ thưởng thức, tôi đã lựa chọn các tác phẩm có độ khó hơn. Nhưng tôi tin trình độ thưởng thức của khán giả Hà Nội sẽ lĩnh hội được tinh thần trong các bản nhạc được trình diễn.  


- Là nghệ sỹ thừa hưởng hai dòng máu Đức - Hàn, nguồn gốc Á Đông có ảnh hưởng tới sự nghiệp phát triển âm nhạc của anh?

- Điểm khác biệt của âm nhạc là mang tính toàn cầu, dù là người nước nào, thì chúng ta đều có cách hiểu chung đối với mỗi nốt nhạc, đối với mỗi âm thanh do âm nhạc mang đến. Cách chơi nhạc xóa đi ranh giới về nguồn gốc, về đặc điểm. Tuy nhiên, nguồn gốc Á Đông của tôi khi có mẹ là người Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của tôi. Hàn Quốc là đất nước mà âm nhạc cổ điển có vai trò quan trọng, nhiều thanh thiếu niên học âm nhạc rất nghiêm túc. Chính điều đó làm tôi nhận được sự giáo dục về âm nhạc từ rất sớm và đã truyền cảm hứng cho tôi trong sự nghiệp âm nhạc sau này. 

- Xin cảm ơn nghệ sỹ!