Tuyến đường biển tử thần

ANTĐ - Liên minh châu Âu (EU) lại vừa lên tiếng kêu gọi có hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn thảm họa tị nạn sau khi lực lượng cứu hộ bờ biển Italy cứu sống 741 người di cư từ Libya đang lênh đênh trên thuyền vượt Địa Trung Hải đến châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Địa Trung Hải là một phần của Đại Tây Dương, bao quanh phía bắc là châu Âu, phía Nam là châu Phi và phía Đông là Trung Đông. Tuyến đường biển trước mặt nước Ý lại là điểm tiếp cận gần nhất với châu Phi đã trở thành “cửa ngõ” lý tưởng để người di cư vượt biên vào châu Âu. Thế nhưng, tuyến đường này đã trở thành tuyến đường biển nguy hiểm nhất, bởi riêng năm 2014 đã có khoảng 3.400 người di cư thiệt mạng khi đang cố gắng vượt biển trên tuyến đường tử thần này.

Tuyến đường biển tử thần ảnh 1

Cảnh sát Italy cứu người di cư bị trôi dạt trên Địa Trung Hải

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), chỉ tính riêng trong mấy tháng đầu năm nay, khoảng 1.770 người đã bỏ mạng trên những hải trình đầy mạo hiểm tới châu Âu, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Làn sóng người di cư ồ ạt cũng là một yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình an ninh bất ổn tại Libya, bởi đây là điểm dừng chân tạm thời của hầu hết các đoàn người di cư trước khi vượt Địa Trung Hải.

Di cư trái phép đã trở thành thách thức không chỉ với châu Âu mà còn cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau thảm kịch tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng di cư qua Địa Trung Hải khi một tàu đánh cá chở người di cư bị lật hôm 18-4 ở ngoài khơi Libya, khiến gần 900 người thiệt mạng. EU đã phải họp bàn khẩn cấp và nhất trí tăng gấp 3 lần kinh phí, từ 3,3 triệu euro lên 9 triệu euro, cho chiến dịch tuần tra và cứu nạn trên biển mang tên Triton của Cơ quan biên phòng EU (Frontex). Frontex cũng tăng cường 3 máy bay, 18 tàu tuần tra các loại, 2 trực thăng và 15 đội chuyên gia cho chiến dịch này. Mới đây, EU còn đề xuất thực hiện kế hoạch về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận 20.000 người xin tị nạn cho tất cả các nước thành viên. 

Thế nhưng, ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ châu Phi không hề đơn giản. Theo tính toán của EU, trong 2 năm qua, mỗi năm có khoảng 20 – 25 nghìn người nhập cư trái phép cố gắng đặt chân lên đất châu Âu. Có một thực tế là, việc tổ chức đưa người nhập cư trái phép đang dần trở thành một ngành công nghiệp đem lại những món lợi nhuận béo bở. Theo trang tin Huffington Post, các tổ chức tội phạm đã kiếm ít nhất 34 tỷ USD mỗi năm cho đường dây vận chuyển người di cư, chúng không dễ gì từ bỏ món lợi này.

Về phía EU, việc giúp đỡ hàng nghìn người di cư cũng đồng nghĩa với việc chào đón người tị nạn vào châu Âu. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh các đảng cánh hữu đang gây sức ép đòi chính phủ các nước châu Âu phải hạn chế nhập cư. Các quốc gia như Đức, Thụy Điển, Pháp và Italy đang phải đối mặt với một lượng lớn đơn yêu cầu xin tị nạn, trong khi những quốc gia thành viên phía đông hoặc Baltic lại hầu như không có. Hiện 5 trong số 28 quốc gia thành viên đang xử lí gần 70% số người di cư đến châu Âu. 

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng muốn đối phó hiệu quả với làn sóng di cư từ các quốc gia châu Phi thì điều quan trọng là phải tìm hiểu “gốc rễ” của vấn đề. Dễ thấy rằng thực trạng xung đột, bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông là nguyên nhân chính làm gia tăng đáng kể số người tìm cách vượt biển sang châu Âu để tìm kiếm tương lai và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tổng thống Pháp F. Hollande từng khẳng định: “Nếu không giải quyết tình hình tại Libya, những kẻ khủng bố sẽ từ nước này đến châu Âu. Vì vậy chúng ta cần phải hành động khẩn cấp. Không chỉ riêng châu Âu mà toàn bộ cộng đồng quốc tế cũng cần phải giúp Libya giải quyết khủng hoảng”.

Nhưng tất cả vẫn chỉ là những dự định. Còn trước mắt, điều quan trọng nhất là cứu sống người nhập cư trên biển trước khi mọi chuyện quá muộn.