Trung Quốc “né” không kích vì sợ IS trả thù, mất mối làm ăn ở Trung Đông

ANTĐ - Từ chối tham gia Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) theo đề xuất của Mỹ, nhưng tăng cường hợp tác và tham gia diễn tập liên hợp với hải quân Iran là chiến lược “tây tiến” và cũng là toan tính lợi ích của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 8/9, Washington đã đề nghị Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực tiến tới thành lập một Liên minh chống IS của Tổng thống Obama.

Về phía Bắc Kinh, họ tỏ ra khá quan tâm đến đề xuất của Mỹ về việc lập liên minh này. Nhưng từ chối bình luận cụ thể về đề xuất của Washington, và cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần đẩy mạnh quan hệ quân sự để tránh những hiểu lầm không đáng có và duy trì sự ổn định tại khu vực. Liệu đây có phải là lời “từ chối khéo” tham gia vào liên minh chống IS của Bắc Kinh? 

Hội trưởng Hội học thuật quân sự quốc tế Ma Cao - ông Hoàng Đông cho rằng, hiện nay Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến lược “tây tiến”, phạm vi hoạt động chính trong tương lai sẽ nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư, đây cũng là tuyến đường huyết mạch vận chuyển năng lượng trên biển của Trung Quốc. Như vậy, việc triển khai nhiệm vụ chống cướp biển và diễn tập liên hợp cứu hộ tại khu vực Vịnh Ba Tư là hết sức quan trọng đối với Bắc Kinh. 

The New York Times thì cho rằng, chuyến cập cảng Bandar Abbas của 2 chiến hạm hải quân Trung Quốc để tham gia cuộc diễn tập liên hợp với hải quân Iran là một ví dụ về mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa Tehran và Bắc Kinh. Trung Quốc vốn đã là một khách hàng dầu lửa chủ yếu của Iran trong khi quốc gia Hồi giáo lại dùng phần lớn lợi nhuận để mua hàng hóa từ đất nước đông dân nhất thế giới này.

Trung Quốc “né” không kích vì sợ IS trả thù, mất mối làm ăn ở Trung Đông  ảnh 1

Hải quân Trung Quốc tăng cường hợp tác với hải quân Iran

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Mậu dịch song phương trong năm nay dự kiến vượt qua con số 45 tỷ USD, bất chấp các lệnh cấm vận về kinh tế và ngân hàng nhằm vào Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

“Thời báo Trung Quốc” Đài Loan cho biết, sau khi xuất khẩu năng lượng Iran bị hạn chế do ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của các quốc gia phương Tây, Trung Quốc đã không bỏ qua cơ hội vàng này để nắm lấy phần lớn đơn đặt hàng dầu khí của Iran.

Sáu tháng đầu năm 2014, mỗi ngày Bắc Kinh đã nhập khẩu 630 nghìn thùng dầu từ đất nước Tây Á này, tăng so với năm trước là 48%, đưa Iran trở thành nước đứng thứ 3 về xuất khẩu dầu cho Bắc Kinh, chiếm 12% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Còn đất nước hơn một tỷ dân này đã vượt qua Châu Âu để trở thành đối tác mậu dịch hàng đầu của Iran.

Thấy rằng, lợi ích của Trung Quốc tại khu vực Tây Á là rất lớn, họ không dại gì biến mình thành mục tiêu tấn công của các phần tử ly khai. Chính vì thế, sau khi “khéo léo” từ chối liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Nhà nước Hồi giáo, Trung Quốc đã lựa chọn diễn tập chung với Iran, điều này cho thấy Bắc Kinh đang có những bước đi thăm dò - thử phản ứng và lựa chọn con đường đi riêng cho mình ở khu vực giàu tài nguyên này.