“Trận chiến truyền thông”

ANTĐ - Việc kênh truyền hình nổi tiếng CNN của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng phát sóng ở Nga trong khi Nga lại thông báo mở Trung tâm thông tin quốc tế mới mang tên Sputnik phần nào cho thấy bóng dáng của một “trận chiến” truyền thông giữa Matxcơva với Mỹ và phương Tây.

“Trận chiến truyền thông” ảnh 1Một bản tin CNN về cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Vladimir Putin

Ngày 11-11, Công ty sở hữu kênh truyền hình Cable News Network (CNN) là Turner Broadcasting System Europe thuộc Tập đoàn Turner International cho biết, kênh CNN sẽ ngừng phát sóng ở trên mạng truyền hình cáp tại Nga từ ngày 31-12 tới. Như vậy, CNN sẽ ngừng phát sóng tại Nga sau khi đã xuất hiện tại nước này từ những năm đầu 1990, tức là ngay sau khi Liên Xô tan rã thành các nước cộng hòa, trong đó Nga được coi là quốc gia kế thừa chủ yếu.

Tổng Giám đốc chi nhánh Turner Broadcasting System tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) Tatyana Kalita đã từ chối bình luận về thông tin CNN đột ngột ngừng phát sóng tại Nga sau gần 15 năm. Trong khi đó, Tập đoàn Turner International chỉ cho biết chung chung rằng “do những thay đổi trong luật truyền thông Nga nên CNN sẽ tạm ngừng phát sóng tại đây”. 

Tại nước Nga, các kênh thông tin Akado, Vimpelcom, NTV +.... đã trả tiền cáp và truyền hình vệ tinh để được phát sóng CNN. Hiện các kênh Akado và Vimpelcom đã xác nhận về việc họ đã nhận được một thông báo ngừng phát sóng từ 31-12 tới tại Nga từ Turner Broadcasting System, song 2 kênh truyền hình này vẫn hy vọng CNN sẽ trở lại Nga trong năm 2015. 

Ngay sau khi CNN công bố quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng, Bộ Thông tin và Truyền thông đại chúng Nga lập tức cho biết, luật pháp hiện hành của Nga không gây cản trở đến việc phát sóng của kênh truyền hình CNN trên mạng truyền hình cáp và vệ tinh tại đây. Tuy nhiên, cơ quan quản lý này cũng nhấn mạnh rằng, các kênh truyền hình nước ngoài phát sóng trên lãnh thổ Nga phải có giấy phép và hoạt động công khai.

Trong khi đó, cho dù phát sóng tại Nga từ lâu nhưng đến nay CNN vẫn không có giấy phép phát thanh truyền hình địa phương ở Nga. Từ năm 2009, CNN đã gửi đơn đăng ký tới Cơ quan giám sát thông tin, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng LB Nga (Roscomnadzor) sau khi cơ quan này yêu cầu các kênh truyền hình nước ngoài phát sóng qua mạng cáp và vệ tinh ở Nga phải có giấy phép hoạt động truyền hình tại chỗ nhưng tới nay vẫn chưa được cấp.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Matxcơva với Mỹ và phương Tây được mô tả là “đang quay trở lại thời chiến tranh lạnh” do cuộc khủng hoảng Ukraine. Các phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây, trong đó có CNN, mới đây có dẫn thông tin Washington cáo buộc đoàn xe tăng của Nga tháo phù hiệu tiến vào tỉnh Donbass ở miền Đông Ukraine nhưng Nga đã bác bỏ.

Trong diễn biến liên quan đáng chú ý, CNN thông báo rút khỏi Nga chỉ đúng 1 ngày sau khi Hãng thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay” mở Trung tâm thông tin quốc tế mới mang tên Sputnik. Theo Tổng giám đốc “Nước Nga ngày nay”, Trung tâm Sputnik với các văn phòng đại diện tại 130 thành phố thuộc 34 nước trên thế giới, trong đó có Washington (Mỹ), London (Anh), Berlin (Đức), Paris (Pháp)… được Nga lập ra nhằm đối phó với sự tuyên truyền của truyền thông phương Tây và cạnh tranh trên thị trường truyền thông toàn cầu.