Tội phạm có tổ chức ngày càng nguy hiểm

ANTĐ - Tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên biên giới đang ngày càng trở thành mối đe dọa với các quốc gia cũng như cuộc sống bình yên của người dân.

Tội phạm có tổ chức ngày càng nguy hiểm ảnh 1
Cảnh sát Brazil đột kích vào một băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Rio De Janeiro 

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 7 các nước thành viên của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày 8-10, Giám đốc điều hành Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) Yuri Fedotov đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động của các loại hình tội phạm xuyên biên giới như buôn người, ma túy…

Ông Fedotov lo lắng trước nạn buôn người trên thế giới, chủ yếu vào các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khi cho biết mỗi ngày có thêm rất nhiều người - trong đó có không ít phụ nữ và trẻ em thuộc tầng lớp dễ bị tổn thương tại các nước có xung đột, chiến tranh hoặc nghèo đói - trở thành nạn nhân của các hoạt động đưa người vượt biên trái phép. Theo UNODC, hoạt động phi pháp này mang lại thu nhập ít nhất 7 tỷ USD mỗi năm cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Trong khi đó, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cũng cho biết, từ năm 2000 đến nay, thế giới đã có hơn 40.000 người thiệt mạng trong quá trình di cư đầy mạo hiểm theo sắp đặt của các tổ chức đưa người vượt biên trái phép hoặc bị buôn bán từ các nước đang phát triển tới các nước phát triển. Đặc biệt, số người di cư, bị buôn bán bỏ mạng trong năm 2014 tăng đột biến khi ước tính đã có ít nhất 4.100 người thiệt mạng tính tới cuối tháng 9.

Tổng giám đốc UNODC cũng tỏ ra rất lo ngại trước hoạt động buôn bán ma túy gia tăng mạnh tại các tuyến đường biển phương Nam, nhất là ở Nam Ấn Độ Dương. Ông Fedotovlo cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, lực lượng hải quân hỗn hợp (CMF) đã phát hiện, thu giữ 4.200kg heroin trong các đợt tuần tra truy quét cướp biển và khủng bố tại vùng biển gần các nước châu Phi, Trung Đông và Nam Á.

Theo UNODC, trung bình mỗi năm hoạt động buôn bán ma túy mang lại nguồn thu khoảng 320 tỷ USD cho các băng nhóm ma túy xuyên quốc gia. Nguy hiểm hơn, hoạt động buôn lậu ma túy còn kéo theo rất nhiều loại tội phạm, trong đó có tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, rửa tiền và khủng bố; làm suy yếu hệ thống bảo vệ pháp luật, phá hoại sự phát triển kinh tế, xã hội, gây mất an ninh, ổn định của không ít quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh các loại tội phạm “truyền thống” trên, thế giới đang phải đối phó với loại tội phạm mới “sạch sẽ” hơn song tác hại mà chúng gây ra cũng không hề nhỏ, đó là tội phạm mạng. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Công ty bảo mật McAfee, tội phạm mạng đang phát triển thành một “ngành công nghiệp toàn cầu” và tăng trưởng đều đặn, hủy hoại hoạt động thương mại, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp và quốc gia, khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 445 tỷ USD/năm.

Chính vì thế, đại diện của 181 quốc gia tham dự Hội nghị đã phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm khẳng định quyết tâm áp dụng những biện pháp mạnh nhất trong khuôn khổ luật pháp mỗi nước để giảm thiểu tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.