Tín hiệu lạc quan trong quan hệ Nhật - Hàn

ANTĐ - Quan hệ láng giềng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang có dấu hiệu ấm trở lại trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tín hiệu lạc quan trong quan hệ Nhật - Hàn ảnh 1Tranh cãi chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima luôn làm quan hệ Nhật - Hàn căng thẳng

Phái đoàn của Quốc hội Hàn Quốc do nghị sĩ Suh Chung Won dẫn đầu đang ở thăm Nhật Bản đã chuyển thông điệp của nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong đó nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh Seoul mong muốn có một bước khởi đầu mới trong mối quan hệ với Tokyo và sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ này. Về phần mình, khi tiếp phái đoàn trên, Thủ tướng S. Abe nói rằng ông hy vọng biến năm 2015 thành một năm cải thiện mối quan hệ Nhật - Hàn.

Quá khứ chiến tranh cùng tranh chấp lãnh thổ đã khiến quan hệ Nhật - Hàn nhiều năm nay rơi vào tình trạng lúc nóng, lúc lạnh. Kể từ khi lên nắm quyền lần lượt trong các năm 2012 và 2013, ông Shinzo Abe và bà Park Geun Hye chưa có bất cứ cuộc gặp cấp cao chính thức nào. Bà Park luôn cho rằng một cuộc gặp cấp cao chỉ có thể được tổ chức sau khi Nhật Bản thể hiện sự chân thành trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại. 

Trước hết là vấn đề “nô lệ tình dục” thời chiến, trở ngại chính trong việc tổ chức cuộc gặp cấp cao Nhật - Hàn. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, có 237 phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm “nô lệ tình dục” cho binh sĩ Nhật Bản, hiện 55 người còn sống. Nhật Bản cho rằng mọi yêu cầu bồi thường đã được giải quyết bằng một thỏa thuận liên quan đến các vấn đề sở hữu, bồi thường và hợp tác kinh tế mà hai nước đã ký kết vào thời điểm Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1965. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản cần cho thấy sự chân thành bằng việc đưa ra lời xin lỗi và bồi thường hợp lý cho những nạn nhân còn sống. 

Trở ngại thứ hai cho quan hệ Nhật – Hàn là tranh chấp chủ quyền quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima. Chỉ rộng chưa đầy 19ha, song quần đảo Dokdo lại nằm ở giữa những vùng đánh bắt cá và được cho là nơi ẩn chứa những mỏ khí gas vô cùng có giá trị. Nhật Bản từng giành quyền kiểm soát nơi này vào năm 1905 sau cuộc chiến tranh với Nga và trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ 1910 - 1945. Sau thất bại trong Thế chiến  II năm 1945, Dokdo được Hàn Quốc quản lý. Về phía Hàn Quốc, nước này khẳng định các đảo đá thuộc Dokdo là một phần lãnh thổ Hàn Quốc từ thế kỷ  6. 

Đó là chưa kể việc các đời Thủ tướng Nhật Bản thường đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ cúng 2,5 triệu người Nhật tử trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh. Người dân Hàn Quốc cho rằng việc quan chức Nhật Bản thăm đền Yasukuni là nhằm tô hồng lịch sử, khơi lại thời kỳ đen tối của bán đảo Triều Tiên dưới sự thống trị của phát xít Nhật, đồng thời khuyến khích sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Chính việc thăm viếng  này đã làm cho quan hệ Nhật - Hàn trở nên nặng nề.

Tuy nhiên, những trở ngại trên đang lùi dần sau những động thái mới đây của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, nhất là việc Thủ tướng Abe cam kết sẽ tiếp tục Tuyên bố Kono về vấn đề phụ nữ châu Á bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong thời kỳ Thế chiến II. Có thể thấy nhiều tín hiệu lạc quan về quan hệ ấm lại giữa Nhật Bản với Hàn Quốc nhưng vẫn có người lo ngại rằng, với một lịch sử quan hệ đầy phức tạp, không biết mâu thuẫn Nhật - Hàn đã qua hay chỉ tạm thời lắng xuống để đến khi có dịp lại bùng lên dữ dội như đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ.