Tiếp tay cho “tử thần”

ANTĐ - Cho dù cả Ukraine và Syria đang là những điểm xung đột nóng bỏng bậc nhất thế giới song nhiều loại vũ khí, trong đó có cả những loại bị cấm, vẫn được tuồn vào tiếp tay cho “thần chết”.

Tiếp tay cho “tử thần” ảnh 1Quả bom cháy ném xuống thị trấn Ilovaisk song không phát nổ được HRW đưa ra làm bằng chứng trong báo cáo

Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) ngày 12-11 công bố một báo cáo cho biết, các loại vũ khí gây cháy đã được sử dụng trong những cuộc giao tranh gần đây tại Ukraine và Syria. Tổ chức này đã tiến hành phân tích hàng loạt bằng chứng liên quan tới các cuộc tấn công bằng loại vũ khí gây cháy “vô cùng tàn độc”, bao gồm chất phốt pho trắng, đã được sử dụng trong các cuộc nội chiến ở Syria và chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine. 

Theo HRW, những nạn nhân bị vũ khí gây cháy tấn công thường bị bỏng độ cao, tổn thương cơ quan hô hấp và hứng chịu những tổn thương lâu dài về cả thể xác lẫn tinh thần. Ông Bonnie Docherty, Trưởng nhóm công bố báo cáo của HRW, cho biết: “Loại vũ khí thường tạo ra những vết bỏng nghiêm trọng và gây biến dạng đối với những người may mắn sống sót đã được sử dụng trong các trận giao tranh trên lãnh thổ Syria và Ukraine”. 

Báo cáo của HRW nêu cụ thể hai cuộc tấn công mà tổ chức này cho là “đặc biệt nghiêm trọng” tại Ukraine, đó là ở Ilovaisk, một thị trấn cách Donetsk 30 km và ngôi làng nhỏ Luganskoe thuộc miền nam Donetsk. Đây cũng là 2 khu vực mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện việc sử dụng các quả rocket Grad gây bỏng cho người dân. 

Trong báo cáo của mình, HRW không đưa ra kết luận bên tham chiến nào tại miền Đông Ukraine phải chịu trách nhiệm trước những cuộc tấn công bằng vũ khí gây cháy. Song trong đó có chỉ rõ loại rocket có đầu đạn mang chất gây cháy được phóng từ thành phố Donetsk hồi đầu tháng 10 vừa qua và khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Chính phủ Ukraine với mục tiêu có khả năng nhằm vào các vị trí của “quân ly khai”. 

Báo cáo của HRW cũng ghi nhận ít nhất 57 vụ tấn công bằng vũ khí gây cháy nhằm vào các trường học ở Syria trong 2 năm qua. Mức độ tàn khốc của một trong các vụ này có thể thấy qua miêu tả của một trong những nhân chứng là bác sĩ tình nguyện người Anh Sahleyha Ahsan khi chứng kiến cuộc tấn công diễn ra ngày 26-8-2013 tại khu vực phía bắc Aleppo: “Các thi thể được chất lên một chiếc xe tải nằm bên ngoài sân bệnh viện. Phần lớn các thi thể là nữ sinh nhưng những vết bỏng quá nặng đã khiến họ bị biến dạng tới mức không thể nhận diện”.

Báo cáo của HRW thêm một lần nữa khẳng định những gì mà dư luận đã biết về mức độ khốc liệt tại 2 điểm nóng xung đột Ukraine và Syria, đặc biệt với thường dân. Chính vì nhằm hạn chế tối đa xung đột và thương vong, Liên hợp quốc đã cấm vận vũ khí sát thương cho các bên xung đột tại 2 quốc gia này. Tuy nhiên, vũ khí, trong đó có những loại vũ khí cháy “vô cùng tàn độc” như bom cháy, vẫn được ngấm ngầm đưa vào Ukraine và Syria bằng nhiều con đường khác nhau.

Sau khi lệnh ngừng bắn hiện nay ở miền Đông Ukraine có hiệu lực từ ngày 5-9 vừa qua, dư luận đã thấy điều khá bất thường khi Ba Lan, Na Uy và Pháp một mực phủ nhận có thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine dù chính ông Yuri Lutsenko, cố vấn đồng thời là người đứng đầu đảng "Khối Poroshenko" của Tổng thống Ukraine, xác nhận. 

Bởi thế, xem ra khó chặn vũ khí sát thương tuồn vào Ukraine và Syria như lệnh cấm của Liên hợp quốc.