Thuốc thử với đối tác chiến lược

ANTĐ - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến New Delhi, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ. Dư luận cho rằng chuyến thăm là dịp để kiểm nghiệm thực chất của mối quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai bên. 

Thuốc thử với đối tác chiến lược ảnh 1 Thủ tướng Ấn Độ N.Modi đón tiếp Tổng thống Mỹ B.Obama

Đúng 10h sáng 25-1, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống B. Obama đã đáp xuống sân bay quân sự Palam ở New Delhi. Tháp tùng ông B. Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là một phái đoàn lớn với nhiều quan chức cấp cao. Nhiều xe cơ giới, máy móc chuyên dụng hiện đại, nhân viên an ninh, chó nghiệp vụ đã cùng đoàn xe tháp tùng bám sát chiếc xe bọc thép “The Beast” của ông về khách sạn ITC Maurya, bên cạnh lực lượng an ninh hộ tống của Ấn Độ.

Trong vòng một thập kỷ qua, quan hệ Mỹ - Ấn luôn được cả Washington lẫn New Delhi đặc biệt coi trọng. Trước hết là bởi Mỹ và Ấn Độ đều có chung định hướng. Mỹ đang thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn Ấn Độ cũng khẳng định chính sách hướng Đông của mình, khiến hai nước cùng có nhu cầu tìm kiếm sự đồng thuận trong lợi ích cho cả hai bên tại khu vực và thế giới.

Thêm vào đó là sức hấp dẫn của Ấn Độ, một trong những nước mới nổi và có vị thế quan trọng trên bản đồ kinh tế và chính trị toàn cầu. Không ai có thể thờ ơ trước một thị trường lớn như Ấn Độ, với chi tiêu xã hội năm 2013 đạt 1.100 tỷ USD và dự kiến đến năm 2023 sẽ lên tới 4.300 tỷ USD. Chẳng thế mà ông Obama hết lời ca ngợi mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn là “góp phần định hình thế kỷ 21”.

Tiềm năng như vậy nhưng 2 năm qua, quan hệ Mỹ - Ấn đã trải qua nhiều sóng gió bởi những mâu thuẫn trong thương mại và ngoại giao, đặc biệt sau vụ các cơ quan chức năng Mỹ ra lệnh bắt giữ Phó tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York với cáo buộc “gian lận giấy tờ hộ chiếu và bóc lột sức lao động của người giúp việc”. Quan hệ hai nước bắt đầu “thiếu lửa” khi Washington tỏ ra thất vọng trước chính sách mở cửa kinh tế gây trở ngại cho nhiều nhà đầu tư Mỹ bên cạnh nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia Nam Á này.

Chính vì thế, chuyến thăm lần này của ông Obama được coi là nhằm tái khẳng định khái niệm đối tác chiến lược mà hai bên cam kết từ khi ông Obama đến thăm New Delhi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Theo truyền thông Ấn Độ, có 7 lĩnh vực sẽ được lãnh đạo hai nước thảo luận tại các cuộc hội đàm, bao gồm đánh giá tầm quan trọng của quan hệ chiến lược giữa hai nước; hợp tác quốc phòng; hợp tác hạt nhân dân sự; hợp tác về năng lượng tái tạo; biến đổi khí hậu; hợp tác kinh tế; chia sẻ thông tin tình báo.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến hợp tác quốc phòng giữa hai bên bởi chỉ trong vòng một thập kỷ qua, Ấn Độ đã đặt hàng khoảng 10 tỷ USD vũ khí từ Mỹ. Với những đột biến về khối lượng giao dịch, năm 2013, Mỹ đã đánh bật Nga, vốn là một lựa chọn ưa thích của New Delhi, để trở thành nhà cung cấp vũ khí số một cho Ấn Độ. Bên cạnh đó là năng lượng tái tạo, lĩnh vực mà Ấn Độ dự định sẽ đầu tư tới 100 tỷ USD và đang rất cần công nghệ của Mỹ.

Hiện tại, dư luận đang thỏa sức tò mò với thông tin về các biện pháp bảo đảm an ninh cho chuyến thăm. New Delhi đã tăng cường an ninh như một pháo đài, với khoảng 15.000 máy quay được lắp đặt và lực lượng an ninh được triển khai theo đội hình 7 lớp để bảo vệ ông Obama. Ngoài 80.000 nhân viên cảnh sát của New Delhi, hơn 1.000 tay súng bắn tỉa và lực lượng bán vũ trang, cảnh sát từ các bang láng giềng, các tiểu đoàn dự bị... đã được điều động làm nhiệm vụ an ninh tại Thủ đô.