“Thắt lưng” quá chặt?

ANTĐ - Chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” mà Chính phủ Bỉ đang thực thi đã “đánh” khá mạnh vào thu nhập của người dân nước này, nhất là những người lao động làm công ăn lương.

“Thắt lưng” quá chặt? ảnh 1Người dân Bỉ biểu tình nói không với chính sách kinh tế khắc khổ

Trung tâm quốc gia nhân viên công đoàn Cơ đốc (CNE, một tổ chức Công đoàn) của Bỉ vừa công bố một kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập thực tế của hầu hết người dân Bỉ bị giảm do các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ nước này. Theo đó, mức giảm hàng năm từ khoảng vài chục nghìn euro tới vài nghìn euro đối với mỗi người Bỉ. 

Sau những biện pháp mới của Chính phủ Bỉ, các nhóm yếu nhất trong xã hội vì thu nhập đã thấp nên việc giảm thu nhập, dù ít, cũng khiến họ chịu tác động rất lớn. Theo chính sách mới, một người về hưu hưởng trợ cấp 2.179 euro/tháng sẽ mất 331 euro/năm; đối với trợ cấp gia đình, mức giảm là 530 euro/năm/hộ. Tương tự, một người tàn tật cô đơn hưởng trợ cấp hàng tháng 1.289 euro sẽ bị hụt mất 104 euro/năm. Một người thất nghiệp có tuổi trước nhận 1.410 euro/tháng, nay bị giảm 276 euro/năm, tương đương với phần bổ sung cho trợ cấp thất nghiệp. 

Đối với một phụ nữ đơn thân làm việc bán thời gian có tổng lương 1.536 euro/tháng, cùng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thu nhập thực của người này sẽ giảm 4.793 euro/năm. Trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm từ 75% xuống còn 70% tương đương mức giảm 326 euro/năm. 

Một người lao động đơn thân sau khi khấu trừ phí thực tế và không bị khoán, kiếm được tổng lương 3.200 euro/tháng thì thu nhập thực tế sẽ giảm 416 euro/năm. Theo khảo sát của CNE, có 260.000 người lao động bị giảm 10% tiền lương trong 1 năm. Tuy nhiên, với một người chủ gia đình phải nuôi 2 con có mức thu nhập 2.016 euro mỗi tháng thì nay chỉ bị hụt 41,14 euro so với các đối tượng khác. 

Dư chấn với người lao động làm công ăn lương và trợ cấp xã hội ở Bỉ xuất phát từ “tâm chấn” chính sách kinh tế khắc khổ mà Chính phủ Bỉ thực thi nhằm giảm nợ công vốn đang ở mức cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong khi nền kinh tế Bỉ chỉ tăng 1% năm 2014. Để cân đối ngân sách quốc gia vào năm 2018 và giảm nợ công, Chính phủ của Thủ tướng Charles Michel đã tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 66 vào năm 2025 và 67 vào năm 2030, đồng thời giảm chi tiêu khoảng 8 tỷ euro.

Tuy nhiên, biện pháp kinh tế khắc khổ trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người lao động Bỉ. Thời gian qua đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình, trong đó có những cuộc biểu tình lớn làm tê liệt giao thông hàng không, đường sắt và đường bộ để phản đối chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng.

Theo nghiên cứu thường niên của Viện thăm dò dư luận Gallup (Mỹ) tiến hành tại 65 quốc gia và mới được công bố đầu năm 2015, chỉ 4% người Bỉ cho rằng năm 2015 sẽ là một năm kinh tế thịnh vượng. Trong khi đó, có tới 54% người Bỉ nhận định kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là những người chuẩn bị về hưu hoặc không có việc làm. Với các tỷ lệ này, Bỉ đứng đầu danh sách các quốc gia bi quan về triển vọng kinh tế năm 2015.