Thách thức từ khối “ung thư” khủng bố

ANTĐ - Hàng chục người thiệt mạng và bị thương trong 3 vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, Tunisia và Kuwait đang đặt thế giới trước thách thức vô cùng khó khăn là phải nhanh chóng tìm biện pháp ngăn chặn khủng bố.
Thách thức từ khối “ung thư” khủng bố ảnh 1

Một tấm thiếp tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trên bãi biển Tunisia có đoạn viết: “Chủ nghĩa khủng bố không bao giờ thắng”

Khủng bố luôn tàn bạo nhưng cho đến nay, thế giới vẫn chưa hết sốc trước sự man rợ của những kẻ khủng bố trong cùng một ngày 26-6. Các nguồn tin cảnh sát cho biết, nghi phạm gây ra vụ tấn công kinh hoàng tại nhà máy khí đốt ở Đông Nam nước Pháp đã chụp ảnh cùng đầu của nạn nhân và chia sẻ lên mạng xã hội trước khi bị bắt.

Còn những nhân chứng trong vụ xả súng đẫm máu tại bãi biển Tunisia hôm đó làm 37 người thiệt mạng cho hay, kẻ sát nhân S. Yacoubi đã cười và đùa cợt trong lúc hắn chọn người để xả súng. 

Điểm đáng lưu ý là loạt vụ tấn công được thực hiện chỉ vài ngày sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kêu gọi những kẻ ủng hộ tiến hành các vụ tấn công trong tháng lễ     Ramadan.

Trong tuyên bố mới nhất, IS đã thừa nhận đứng sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào khách sạn nổi tiếng Imperial Marhaba tại khu nghỉ dưỡng Sousse ở miền Đông Tunisia và vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ Hồi giáo ở Kuwait. “Người anh em, người lính của Đế chế Hồi giáo (Caliphate), Abu Yihya al-Kairouni đã đạt được mục đích tại khách sạn Imperial (Tunisia) dù ở đó được giữ an ninh”, NBC News trích tuyên bố của IS. Tổ chức này còn gọi những người thiệt mạng là “những người ngoại đạo”.

Vậy thông điệp nào mà những kẻ khủng bố muốn đưa ra? Hiện chưa có kết luận cuối cùng về mối liên quan của những kẻ thực hiện 3 vụ khủng bố nói trên, nhưng theo chuyên gia Charlie Winter thuộc tổ chức nghiên cứu chiến lược Quilliam Foundation, có một ý tưởng chung giữa các vụ tấn công này. Đó là bọn chúng thông qua hành động bạo lực để đạt mục tiêu chính trị, thông qua “kích thích nỗi sợ hãi lây lan” và sự tàn nhẫn để buộc người ta phải chú ý đến mình.

Để cụ thể hơn, ông Olivier Guitta, nhà phân tích an ninh của GlobalStrat, phân tích thêm rằng các cuộc tấn công ngày   26-6 cho thấy khả năng “gợi cảm hứng” của IS. Có những người ủng hộ nhưng không phải thành viên của IS đã hiểu thông điệp của chúng, được gợi ý và sau đó tiến hành các hành động khủng bố. Điều đó giải thích tại sao thủ phạm trong các vụ khủng bố nêu trên hành động hết sức bất ngờ, khiến ít người chú ý để có sự phòng vệ. Nó khiến thế giới luôn phải sống trong sợ hãi và nghi ngờ. 

Chính vì thế mà ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi nỗ lực chống khủng bố. Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi cho rằng cần có một chiến lược toàn cầu thống nhất để đối phó với mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến. Ông Beji Caid Essebsi nêu rõ: “Tunisia đang phải đối mặt với một phong trào quốc tế và không thể đơn độc đối phó với mối đe dọa này. Cùng ngày vào cùng thời điểm, Pháp đã trở thành mục tiêu của một thảm kịch tương tự và Kuwait cũng vậy. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một chiến dịch toàn cầu và tất cả quốc gia dân chủ giờ đây phải hợp lực ngay”.

Còn Tổng thống CH Czech M. Zeman thì mô tả IS là một khối “ung thư” và kêu gọi tập hợp nỗ lực để tiêu diệt tổ chức này. Trong tuyên bố tại trụ sở LHQ tại New York, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới Ban Ki-moon khẳng định tất cả những thủ phạm liên quan tới các vụ tấn công đều phải bị đưa ra xét xử ngay lập tức.

Đại diện về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) F. Mogherini kêu gọi: “Người Arab, người châu Âu, người Hồi giáo hay không phải người Hồi giáo cần sát cánh cùng nhau trên một con thuyền” và rằng, cần phải có sự đáp trả kiên quyết, thống nhất để những kẻ xấu không thể lợi dụng vấn đề tôn giáo gây chia rẽ.

Để ngăn chặn khối “ung thư” IS lây lan, đòi hỏi thế giới phải chung tay trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.