Tăng tốc diệt trừ IS

ANTĐ - Lần đầu tiên kể từ khi trực tiếp tham chiến bằng không kích tiêu diệt lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mỹ đã nhóm họp liên minh gồm 60 quốc gia đồng minh nhằm thắt chặt hợp tác, đẩy mạnh cuộc chiến tiêu diệt lực lượng Hồi giáo cực đoan tàn bạo này.

Tăng tốc diệt trừ IS ảnh 1Các máy bay Mỹ trên tàu sân bay George H W Washington
đảm nhiệm việc không kích lực lượng IS

Ngày 3-12, tại trụ sở của Tổ chức NATO ở Thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì cuộc họp cấp cao đầu tiên của liên minh 60 nước do Mỹ chỉ huy bàn cách tiêu diệt IS ở Iraq và Syria. NATO không tham gia liên minh này nhưng cho phép sử dụng trụ sở để tổ chức cuộc họp, trong khi rất nhiều thành viên cốt cán khác của họ cũng đang sát cánh cùng Mỹ không kích IS.

Theo các quan chức của liên miình chống IS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cùng ngoại trưởng các nước châu Âu, Arập và một số quốc gia khác cùng thảo luận, đề xuất chiến lược quân sự nhằm chống IS hiệu quả hơn. Chiến lược này gồm 2 mũi nhọn chính, đó là ngăn chặn IS tuyển mộ chiến binh nước ngoài và tiêu diệt các tay súng IS trên chiến trường.

Ngoài ra, các ngoại trưởng trong liên minh chống IS do Mỹ “cầm trịch” cũng tìm kiếm cách thức chặn nguồn thu hàng trăm triệu USD mà IS có được từ hoạt động bán dầu mỏ, tống tiền, cướp bóc, buôn người và bán cácđồ tác phẩm cổ ở Syria. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng cũng thảo luận về hoạt động viện trợ nhân đạo cho những người Iraq và Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống IS.

Cuộc họp cấp cao của liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel được thông báo sẽ từ chức mà lý do chính, theo giới phân tích, là bất đồng với Nhà Trắng trong cuộc chiến chống IS. Song điều quan trọng nhất là cuộc chiến này cho đến nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn của Washington.

Kể từ khi chính thức tiến hành không kích vào lực lượng IS từ tháng 8 tới nay, Mỹ và đồng minh đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích, sử dụng hàng nghìn tấn bom, tên lửa “thông minh”. Trực tiếp sát cánh cùng Mỹ tiến hành không kích lực lượng IS có lực lượng quân đội của hơn 10 quốc gia đồng minh từ châu Mỹ, châu Âu tới châu Á và các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, trong đó Mỹ đảm nhiệm tới 85% tổng số các cuộc không kích.

Tuy nhiên, dù chịu mưa bom bão đạn chính xác của quân Mỹ và đồng minh song lực lượng IS cho đến nay vẫn “cứng đầu”  chống cự, chiếm giữ những khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq. IS không những không rút lui mà còn tiếp tục tấn công, đe dọa nhiều vị trí chiến lược trọng yếu, trong đó đặc biệt là tại thị trấn chiến lược Kobani nằm sát biên giới giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều cốt yếu khiến lực lượng IS vẫn chưa suy giảm sức mạnh là nhờ vào việc luôn được bổ sung các chiến binh từ nhiều quốc gia trên thế giới, mà theo ước tính của Mỹ là tổ chức này hiện có khoảng 30.000 tay súng tại Syria và Iraq. Cùng với đó, IS cũng tiếp tục được “nuôi dưỡng” bởi hàng trăm triệu USD từ nhiều nguồn thu khác nhau.

Chính vì thế, chiến lược mới liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu được tiến hành trên 2 mặt trận chính: đánh bại các tay súng cực đoan, tàn bạo trên chiến trường và cắt đứt nguồn bổ sung binh lực cũng như tài lực.