Taliban bắt tay “bố già”

ANTĐ - Không chỉ là lực lượng chống đối, gây ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Afghanistan, Taliban còn đang trở thành tổ chức tội phạm với các hoạt động bắt cóc tống tiền, bảo kê và buôn lậu ma túy.

Taliban bắt tay “bố già”  ảnh 1Không chỉ là lực lượng chống đối tại Afghanistan mà Taliban còn đang bắt tay với các “bố già” ở nước này

LHQ ngày 9-2 công bố báo cáo của một nhóm chuyên gia cho biết, lực lượng Taliban đang móc nối với những băng nhóm tội phạm chuyên buôn bán ma túy, bảo kê các dây chuyền khai thác mỏ trái phép cũng như những kẻ chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc… tại Afghanistan. LHQ cảnh báo đây là xu hướng mới của lực lượng chống đối Chính phủ khiến chính quyền mới ở Afghanistan lo ngại. 

Báo cáo của nhóm chuyên gia LHQ chuyên theo dõi Taliban cho rằng, lực lượng này đang ngày càng hành động giống như các “bố già” hơn là một “chính phủ chờ đến lượt” để lên nắm quyền tại Afghanistan. Nếu như lực lượng Taliban và các tay trùm buôn ma túy thiết lập quan hệ làm ăn từ những năm 90 của thế kỷ trước thì vài năm trở lại đây Taliban dính líu nhiều hơn vào các hoạt động tội phạm mới nổi lên khác.

Các vụ bắt cóc do Taliban tiến hành đã gia tăng kể từ năm 2005 với tổng số tiền chuộc thu được ít nhất là 16 triệu USD. Ngoài ra, Taliban cũng kiếm được từ 240.000 - 360.000 USD mỗi năm từ các vụ tống tiền nhằm vào lái xe tải chở đá  từ các khu mỏ đặt tại khu vực tập trung chủ yếu người Tajik sinh sống ở miền Bắc Afghanistan. 

Tại tỉnh Đông Bắc Badakhashan, Taliban đã tiến hành các hoạt động bảo kê để thu khoảng 1 triệu USD/năm nhằm đổi lại việc không tấn công các mỏ đá xanh ở khu vực này. Lực lượng cực đoan này cũng bỏ túi tới 2/3 thu nhập từ mỏ chromite ở tỉnh Đông Nam Paktikha và khoảng 16 triệu USD/năm từ mỏ đá hồng ngọc ở tỉnh Jagdalak nằm ở phía Đông Thủ đô Kabul bằng các hoạt động phạm tội tương tự. 

Taliban bắt tay “bố già”  ảnh 2Taliban đang tham gia vào các hoạt động bắt cóc, tống tiền hay bảo kê tại Afghanistan

Tuy nhiên, nguồn thu lớn nhất của Taliban và cũng là nỗi đau đầu lớn nhất với chính quyền Afghanistan cũng như cộng đồng quốc tế là buôn lậu ma túy. Nếu như Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện nhiều nhất toàn cầu, chiếm hơn 2/3 số thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới thì Taliban chính là lực lượng đang kiểm soát những vùng sản xuất thuốc phiện lớn nhất tại quốc gia Nam Á này. LHQ ước tính các hoạt động tội phạm liên quan tới ma túy mang lại Taliban ít nhất 400 triệu USD mỗi năm.

Báo cáo của LHQ cảnh báo sự tham gia này càng mạnh của Taliban vào các hoạt động buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, khai khoáng trái phép sẽ gây khó khăn cho tiến trình hòa giải vì tiềm lực tài chính càng lớn, Taliban sẽ càng trở thành một lực lượng chống đối mạnh với chính quyền hiện nay tại Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani kể từ khi nhậm chức tháng 9-2014 tới nay vẫn đang cố thành lập một chính phủ đoàn kết nhằm thực thi lời cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch vận động gồm chống tham nhũng và giải quyết cuộc khủng hoảng với Taliban.

Do vậy, báo cáo LHQ đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ban hành những biện pháp trừng phạt có mục tiêu để cắt đứt các mối liên hệ của Taliban với giới tội phạm có tổ chức.