Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là sự cáo chung của Mỹ

ANTĐ - Trong bài viết với nhan đề trên đăng trên tờ “Thời báo Niu Yoóc” số ra ngày 8/9, Phó Tổng thống Mỹ Joseph R.Binden bác bỏ quan điểm cho rằng sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc là một nguy cơ đe dọa đối với Mỹ và rằng mục tiêu của Mỹ cũng không phải là tạo dựng một vành đai châu Á – Thái Bình Dương để bao vây Trung Quốc. Hai bên sẽ đều có thể phát triển và thịnh vượng trong cạnh tranh. Dưới đây là nội dung bài viết.

“Tôi đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1979, vài tháng sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Hồi đó, Trung Quốc vừa mới bắt đầu cải tạo nền kinh tế và tôi là phái đoàn Thượng viện Mỹ đầu tiên chứng kiến, sự thay đổi này. Tháng trước, qua chuyến công du dọc Trung Quốc, tôi đã chứng kiến một nước Trung Quốc đổi thay biết chừng nào trong 32 năm qua và cuộc tranh cãi về sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn như vậy.

Ngày ấy và bây giờ đầu có những mối quan ngại về một nước Trung Quốc ngày càng lớn mạnh thì sẽ như thế nào đối với Mỹ và toàn thế giới.Một số người ở Mỹ và trong khu vực nhìn nhận sự nổi lên của Trung Quốc như một nguy cơ đe dọa, sẽ dấn tới một hình thái đối địch kiểu như Chiến tranh Lạnh hoặc sự đối đầu giữa các siêu cường. Một số người Trung Quốc lo ngại mục tiêu của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là kiềm chế và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tôi bác bỏ các quan điểm này. Chúng ta thấu hiểu các mỗi quan ngại về khả năng quân sự ngày càng gia tăng cùng các toan tính của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao chúng ta can dự với quân đội Trung Quốc để hiểu và nắm bắt tư duy của họ. Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống đã chỉ thị cho nước Mỹ, cùng với các đồng minh, duy trì một sự hiện diện hùng mạnh trong khu vực. Tôi đã nói thẳng với các nhà lãnh đạo và người dân Trung Quốc rằng Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và mãi vẫn như vậy.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng một nước Trung Quốc thành công có thể làm cho nước Mỹ chúng ta thịnh vượng hơn, chứ không yếu đi.

Do mối quan hệ buôn bán và đầu tư ràng buộc chúng ta với nhau nên hai nước đều có lợi trong sự thành công của nước khác. Trong các vấn đề từ an ninh toàn cầu đến sự phát triển kinh tế toàn cầu, chúng ta chia sẻ các thách thức và trách nhiệm chung và chúng ta có các động lực kích thích để hợp tác với nhau. Đó là lý do vì sao Chính quyền của chúng ta luôn nỗ lực để đưa mối quan hệ với Trung Quốc vào thế ổn định. Trong thời gian hàng chục giờ đàm phán và trao đổi với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm vừa qua, tôi tin chắc ban lãnh đạo Trung Quốc cũng nhất trí với mục tiêu này.

Chúng ta thường xoáy vào sự xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, thế nhưng năm ngoái các công ty Mỹ cũng đã xuất khẩu vào Trung Quốc hơn 100 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, góp phần tạo ra hàng trăm nghìn việc làm ở trong nước. Sự thực, xuất khẩu của chúng ta vào Trung Quốc đã và đang tăng nhanh hơn so với khối lượng xuất khẩu của chúng ta với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà tôi đã gặp đều hiểu rằng đất nước họ phải chuyển từ một nền kinh tế được thúc đẩy bằng xuất khẩu, đầu tư và công nghiệp nặng sang một nền kinh tế được thúc đẩy nhiều hơn bởi tiêu dùng và dịch vụ. Chiều hướng này bao gồm cả việc tiếp tục các bước đi nhằm định giá lại đồng tiền của họ, tạo ra cửa tiếp cận các thị trường bình đẳng và công bằng. Một khi người Mỹ tiết kiệm được nhiều tiền hơn và người Trung Quốc mua hàng hóa nhiều hơn thì tiến trình này sẽ tăng tốc, mở ra các cơ hội cho chúng ta.

Mỹ và Trung Quốc vừa hợp tác với nhau, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Tôi rất tin rằng nước Mỹ có thể và sẽ thịnh vượng từ sự cạnh tranh này.

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc dưới một góc độ thích hợp. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ hàng năm hiện ở mức xấp xỉ 15.000 tỷ USD, gấp hơn hai lần GDP của Trung Quốc và thu nhập tính theo đầu người ở Mỹ là trên 47.000 USD, gấp 11 lần thu nhập trung bình tính theo đầu người của Trung Quốc.

Tàu khu trục USS Howard của Mỹ tham gia tập trận cùng 6 nước ASEAN.

Và, trong khi nói nhiều về việc Trung Quốc nắm giữ khoản nợ lớn của Mỹ thì có một thực tế là người Mỹ chúng ta cũng nắm giữ các khoản nợ của Trung Quốc. Trung Quốc hiện chỉ nắm giữ 8% tổng giá trị trái phiểu của Bộ Tài chính Mỹ, so với người Mỹ chúng ta nắm giữ tới gần 70%. Cam kết không thay đổi của chúng ta đối với các trách nhiệm tài chính là vì lợi ích của người dân Mỹ cũng như của những người ở bên ngoài. Đó là lý do vì sao nước Mỹ không bao giờ rũ bỏ các trách nhiệm của mình và chắc chắn sẽ không bao giờ làm như thế.

Quan trọng hơn, tính chất của sự cạnh tranh trong thế kỷ 21 là có lợi cho Mỹ. Trong thế kỷ 20, chúng ta đong đếm sự giàu có của mình chủ yếu bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai rộng lớn, dân số và quân đội. Trong thế kỷ 21, sự giàu có thật sự của một quốc gia là ở đầu óc sáng tạo của người dân nước đó cũng như khả năng phát minh của họ.

Tôi từng nói với sinh viên trường đại học Thành Đô (Trung Quốc) rằng nước Mỹ đi đầu trong sáng tạo. Cạnh tranh chính là sợi dây liên kết của xã hội Mỹ. Nó giúp cho mỗi thế hệ người Mỹ hiến cho đời những ý tưởng làm thay đổi thế giới, từ một chiếc máy tách hạt bông đến những chiếc máy bay, các con chíp điện tử và Internet.

Sức mạnh của chúng ta là từ hệ thống chính trị và kinh tế, là từ cách thức mà chúng ta giáo dục con cái mình, không chỉ tiếp thu những cái chính thống có sẵn mà phải thách thức nó và cải biến nó. Chúng ta không chỉ khoan dung và còn cổ vũ tự do bày tỏ ý kiến và tranh luận. Quy tắc luật pháp bảo vệ sở hữu cá nhân, dễ đoán biết và minh bạch cho các nhà đầu tư và bảo đảm trách nhiệm của cả người giàu và người nghèo. Các trường đại học của chúng ta vẫn là điểm đến tốt nhất cho sinh viên và các học giả của toàn thế giới. Chúng ta hoan nghênh những người nhập cư có tay nghề, có hoài bão và có nguyện vọng tìm kiếm cuộc sống khá giả hơn.

Những thế mạnh đó của Mỹ hiện nay là điểm yếu của Trung Quốc. Khi ở thăm Trung Quốc, tôi nói rằng để chuyển sang một nền kinh tế sáng tạo thì phải mở rộng cửa chế độ và mở cửa cho nhân quyền. Các quyền cơ bản của con người là phổ biến và người dân Trung Quốc muốn được hưởng thụ các quyền đó. Tự do không khóa cửa tiềm năng của con người, không có tự do sẽ nuôi dưỡng bất ổn. Các xã hội mở cửa và tự do tốt nhất cho việc thúc đẩy tăng trưởng lâu dài, ổn định, thịnh vượng và sáng tạo.

Chúng ta cũng có những việc phải làm. Chúng ta cần bảo đảm rằng mọi người Mỹ muốn làm việc đều có thể tìm thấy một việc làm. Chúng ta cần tiếp tục thu hút các nhân tài hàng đầu của thế giới. Chúng ta phải  tiếp tục đầu tư vào các nguồn năng lượng căn bản tạo nên sức mạnh của mình như giáo dục, hạ tầng cơ sở và phát minh sáng tạo. Tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta. Nếu chúng ta dám có những bước đi táo bạo thì không có lý do gì mà nước Mỹ không thể hùng mạnh hơn.

Trên cương vị là Phó Tổng thống, tôi đã đi công du nửa triệu dặm khắp thế giới. Mỗi khi trở về tôi luôn cảm nhận một niềm vui không thay đổi vào tương lai của nước Mỹ. Một vài người có thể răn báo về sự cáo chung của Mỹ, nhưng tôi không thuộc nhóm người này. Tôi xin tái khẳng định với các bạn rằng, qua thời gian ở Trung Quốc, người Trung Quốc cũng không nghĩ như vậy”.