“Sát thủ thầm lặng”

ANTĐ - Nhiều loại hóa chất độc hại dùng trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày đã được xem là “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái trên Trái đất. 

EDCs có thể tác động xấu tới sức khỏe con người từ khi mới sinh ra

Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)  ngày 19-2 cùng công bố một báo cáo cho biết nhiều hóa chất được phát hiện trong các sản phẩm công nghiệp và hộ gia đình có thể gây ra những vấn đề lo ngại cho sức khỏe cho con người và động vật hoang dã. Báo cáo nhan đề “Thực trạng khoa học về các hóa chất gây tắc nghẽn nội tiết” này đã chứng minh mối liên hệ giữa các hóa chất phá vỡ nội tiết (EDCs) và những vấn đề về sức khỏe với phụ nữ, nam giới và trẻ em. 

Báo cáo chung của UNEP và WHO cho biết, gần 800 loại hoá chất EDCs có thể làm ảnh hưởng tới nội tiết tố từ các hệ thống sản xuất hormone, những khu vực kiểm soát sự phát triển, chức năng của hệ sinh sản đến mô và các cơ quan điều tiết trao đổi chất và cảm giác no. Hậu quả là dẫn tới béo phì, vô sinh và giảm khả năng sinh sản, học tập và ghi nhớ khó khăn, tiểu đường hay bệnh tim mạch cùng nhiều loại bệnh khác.

Theo báo cáo được viết ra trên cơ sở các nghiên cứu được thực hiện trong vòng 2 năm của nhiều chuyên gia quốc tế cho thấy ở một số quốc gia EDCs là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ ung thư vú, buồng trứng và tử cung ở phụ nữ cũng như ung thư tinh hoàn, tiền liệt tuyến và tuyến giáp đối với nam giới. Cụ thể hơn, báo cáo cho biết các chất EDCs là tác nhân làm giảm chất lượng tinh trùng của khoảng 40% nam giới, dẫn tới khó khăn trong khả năng làm cha.

Báo cáo cũng chỉ rõ có lý do để nghi ngờ hợp chất hóa học phthalates có thể gây hại cho hệ sinh sản của nữ giới và liên quan với sự gia tăng tỉ lệ trẻ mắc các bệnh trong đó có bệnh ung thư máu. Một “nghi can” khác là chất bisphenol A, được tìm thấy trong nhiều đồ dùng hàng ngày bao gồm các loại hộp, can và kính chống nắng, làm cản trở những hormone tăng trưởng, phát triển và sức khỏe của nam giới... 

Báo cáo cũng gây ra nhiều lo ngại tương tự về tác động của EDCs đối với các loài động vật hoang dã. Nghiên cứu tại bang Alaska (Mỹ) cho thấy, việc tiếp xúc với các hóa chất này có thể ảnh hưởng đến tái sinh sản, gây vô sinh và dị tật ở một số động vật như hươu, nai, rái cá hay sư tử biển cũng có thể gặp rủi ro do hóa chất trong một số loại thuốc trừ sâu. 

Lo ngại về các loại hoá chất sử dụng trong các hoạt động sản xuất, trong đó có EDCs, đã có từ lâu và báo cáo ngày 19-2 của LHQ thêm một lần nữa minh chứng về hiểm họa “sát thủ thầm lặng” này với sức khỏe con người và môi sinh. Hàng trăm chất EDCs có thể đi vào cơ thể theo rất nhiều con đường khác nhau, từ bụi trong không khí, đồ gia dụng, thiết bị điện tử, bàn ghế công nghiệp... đến thực phẩm ăn hàng ngày hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm như sơn móng tay....

Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner cho rằng, các sản phẩm hóa chất ngày càng trở thành một phần của cuộc sống hiện đại và hỗ trợ nhiều nền kinh tế quốc gia song do quản lý không chặt chẽ nên đã gây ra những hệ luỵ khôn lường. Vì thế, theo ông Steiner, bên cạnh việc tích cực giảm thiểu những rủi ro, phát huy tối đa các lợi ích của hóa chất, thế giới cần đẩy nhanh quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh.