“Quyết đấu” với Ebola

ANTĐ - Tổ chức Y tế Thế giới đã đề nghị Canada và Australia xem xét lại quyết định cấm nhập cảnh đối với các công dân Tây Phi trong khi cuộc “quyết chiến” chống đại dịch Ebola đang có tiến triển khả quan.

“Quyết đấu” với Ebola ảnh 1Giới y học thế giới đang chạy đua với thời gian để sản xuất vaccine phòng chống virus Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5-11 đã đề nghị Canada và Australia xem xét lại quyết định cấm nhập cảnh đối với các công dân Tây Phi, nơi đại dịch Ebola đang hoành hành dữ dội chưa từng thấy. Canada và Australia là 2 quốc gia phát triển duy nhất nằm trong trong số hơn 20 quốc gia cấm đi lại với các nước có dịch Ebola ở Tây Phi, còn lại là những nước ở châu Phi và một số ở Mỹ Latinh như Haiti, Colombia, Jamaica… hay CHDCND Triều Tiên ở châu Á.

Trước đó, hôm 27-10, Australia trở thành quốc gia phát triển đầu tiên quyết định tạm ngưng việc cấp thị thực vào nước này cho những người đến từ vùng “ổ dịch” Ebola tại Tây Phi, đặc biệt từ các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone. Tiếp đó, Canada “nối bước” Australia, ngừng cấp thị thực cho công dân đến từ các quốc gia trong vùng dịch Ebola từ 31-10.

Bộ trưởng Di trú Australia Scott Morrison giải thích quyết định “bế quan tỏa cảng” với công dân vùng dịch là một trong những biện pháp mạnh để bảo vệ người dân nước này trước nguy cơ lây nhiễm virus chết người Ebola. Tương tự, Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose cho biết ưu tiên số 1 của chính phủ là bảo vệ người dân Canada.

Cho dù các quyết định của Chính phủ Australia và Canada được giới chức trong nước ủng hộ song cũng nhận được không ít chỉ trích từ quốc tế cũng như những nhà hoạt động nhân quyền trong nước, trong khi đó đến nay cả 2 quốc gia này đều chưa ghi nhận ca nhiễm Ebola nào. WHO khi lên tiếng đề nghị Australia và Canada xem xét lại các quyết định cấm nhập cảnh với công dân các nước Tây Phi cũng cho rằng biện pháp ngăn chặn đó vượt quá xa cảnh báo của tổ chức này với dịch Ebola.

Trong khi đó, nỗ lực cao của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola đã bước đầu thu được tín hiệu khả quan. WHO ngày 5-11 công bố báo cáo cho biết, số người tử vong do nhiễm virus Ebola trên thực tế ít hơn so với thông báo trước đó khi số ca tử vong tính đến ngày 31-10 là 4.818 người, thấp hơn so với báo cáo trước đó là 4.951 người; số người nhiễm trên thực tế cũng giảm từ 13.567 người xuống 13.042 người.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tín hiệu tích cực khác như người bị lây nhiễm đầu tiên ngoài vùng châu Phi đã được chữa khỏi; không có ca lây nhiễm mới nào được ghi nhận tại Mỹ; giới nghiên cứu Pháp tìm ra phương thức xét nghiệm Ebola có kết quả gần như là tức thời… WHO chính thức công nhận Nigeria, quốc gia nằm ở tâm vùng dịch Ebola tại Tây Phi, đã thoát khỏi dịch bệnh nguy hiểm này từ ngày 21-10 vừa qua sau 42 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm mới.

Đặc biệt, trong khi Canada đã gửi lô vaccine Ebola đầu tiên mang tên VSV-ZEBOV đến trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) để thử nghiệm thì Nga tuyên bố đang điều chế thành công vaccine chống virus Ebola. Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova cho biết loại vaccine do nước này điều chế có khả năng chống virus Ebola cùng một số virus khác nữa và chúng sẽ được chuyển đến châu Phi ngay sau khi có kết quả thử nghiệm khả quan.