Nguy cơ “chiến tranh ảo”

ANTĐ - Nguy cơ bùng nổ cuộc “chiến tranh ảo” ngày càng hiện hữu khi những đòn tấn công và trả đũa trên mạng Internet không chỉ dừng lại ở những cá nhân hay nhóm tin tặc mà đã có sự tham gia từ các chính phủ.
Nguy cơ “chiến tranh ảo” ảnh 1
Bên trong một trung tâm chống các hoạt động tội phạm trên mạng của Mỹ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20-2 đã công bố một chiến lược mới nhằm đối phó với tình trạng đánh cắp bí mật thương mại ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh nhiều cơ quan và tổ chức ở Mỹ liên tiếp là nạn nhân của tin tặc quốc tế thời gian qua, chiến lược mới này đưa ra một loạt biện pháp trả đũa mạnh mẽ, bao gồm cả các biện pháp đối ngoại cũng như đối nội. Về đối nội, Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành những thay đổi cần thiết các quy định luật pháp để đẩy mạnh nỗ lực chống tin tặc, đồng thời đặt lên hàng đầu việc ưu tiên truy tố các vụ án tin tặc, đánh cắp bí mật thương mại... với sự phối hợp của FBI và CIA. Về đối ngoại, Nhà Trắng tuyên bố sẽ gây sức ép về mặt ngoại giao cùng với việc áp dụng các công cụ chính sách thương mại đối với chính phủ các nước để ngăn chặn hành vi tấn công mạng.  Chiến lược trên được ban hành chỉ 1 ngày sau khi chính quyền Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công tin tặc có xuất xứ từ Trung Quốc liên tục nhắm vào các cơ quan và tổ chức ở Mỹ. Sự lo ngại này xuất phát từ kết quả điều tra công bố ngày 18-2 của Công ty an ninh mạng Mandiant ở bang Virginia (Mỹ) xác định một nhóm tin tặc có quan hệ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là thủ phạm tấn công, đánh cắp các dữ liệu trong hệ thống máy tính của hàng trăm công ty và tổ chức ở Mỹ trong vòng 7 năm qua.  Theo điều tra của Mandiant, từ năm 2006 đến nay, một nhóm có mã số “Đơn vị 61398” (Unit 61398) của PLA đóng ở ngoại ô thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã thực hiện những cuộc tấn công và đánh cắp các dữ liệu từ mạng máy tính của 141 công ty và 20 tổ chức trên toàn thế giới, trong đó có 115 công ty và tổ chức ở Mỹ. Mandiant cho biết, “Đơn vị 61398” có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân viên “có khả năng công nghệ cao và rất giỏi tiếng Anh”. Trong khi đó theo hãng tin Pháp AFP, “Đơn vị 61398” đóng trong một toà cao ốc ở khu Cao Kiều, ngoại ô Thượng Hải, được các bức tường cao bao quanh có những tấm áp phích lớn với hình ảnh binh sĩ PLA. Toà nhà gắn biểu tượng “Bát Nhất” của PLA được canh gác cẩn mật với tấm bảng “cấm chụp hình” viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 20-2 đã chỉ trích báo cáo của Công ty Mandiant là “vô căn cứ cả về thực tế lẫn cơ sở pháp lý”, đồng thời tuyên bố PLA chưa bao giờ hậu thuẫn các vụ tấn công tin tặc. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ lên tiếng cáo buộc cũng như phía Trung Quốc bác bỏ những thông tin liên quan về vấn đề tin tặc có xuất xừ từ Trung Quốc. Và vì thế, không chỉ lên tiếng tố cáo, Mỹ từ nhiều năm nay đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch và chiến lược nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mạng mà nước này từng tuyên bố là sẽ “đáp trả không khoan nhượng” giống như đối với các cuộc tấn công trên bộ, trên không và trên biển.