Nga muốn tước “vũ khí kinh tế toàn cầu” của Mỹ

ANTĐ - Nhằm đáp trả lại những đòn trừng phạt bằng kinh tế của Mỹ, Nga đang triển khai “cuộc vận động lớn”, nhằm hạ thấp sự ảnh hưởng của đồng đô-la Mỹ.

Nga muốn tước “vũ khí kinh tế toàn cầu” của Mỹ ảnh 1Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Nga muốn tước “vũ khí kinh tế toàn cầu” của Mỹ?

Đại diện của Nga tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (được tổ chức tại Jakarta, vừa kết thúc ngày 21-4) đã bày tỏ hy vọng, thế giới sẽ có thêm nhiều ngoại tệ mạnh, nhằm “giải phóng thế giới khỏi sự khống chế của đồng đô- la Mỹ”.

Phát biểu tại phiên họp của diễn đàn với chủ đề "Gieo niềm tin vào thị trường châu Á", Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nhận định rằng, những cơ cấu quốc tế hình thành từ mấy thập niên trước đến nay đã không còn phù hợp với sức mạnh hiện thực của các quốc gia.

Ông khẳng định, những cơ cấu đó vốn được tạo ra để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, vẫn tiếp tục hoạt động theo sơ đồ cũ. Luật pháp Mỹ không những chỉ có hại cho các ngân hàng châu Âu và châu Á, mà còn đang gây phương hại thực sự cho nền kinh tế thế giới.

Theo quan điểm của ông Dvorkovich, sự cần thiết phải chuyển sang hệ thống đa ngoại tệ trên thế giới đã chín muồi từ lâu, nhưng yêu cầu đó bị cản trở bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - hay nói chính xác hơn, bởi lập trường của một cường quốc chính yếu là Mỹ, luôn chống lại việc thực thi những cải cách mới bằng đủ mọi cách.

Phó Thủ tướng Nga kêu gọi các nước trên thế giới tiến tới cải cách chính sách của IMF và tạo lập hệ thống đa ngoại tệ của thế giới. Khi thị trường thế giới được định giá bằng càng nhiều ngoại tệ khác, thì sẽ càng bớt phải lo ngại về tác hại không lường trước được do biến động đột ngột của tỷ giá USD hoặc euro.

Để được như vậy, đại diện của các quốc gia khác nhau cần làm việc cùng nhau để hoạch định chiến lược phát triển, nhất trí về các biện pháp thực hiện và trung thành với những thỏa thuận đạt được.

Nga muốn tước “vũ khí kinh tế toàn cầu” của Mỹ ảnh 2

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á

Phó Thủ tướng Nga nhận định rằng các nước châu Á nên có tầm nhìn dài hạn và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Ông Arkady Dvorkovich còn nêu một điển hình ví dụ là Trung Quốc, hiện “đang thể hiện tầm nhìn xa và sẵn sàng làm việc theo đường lối mới”.

Các nước Á-Phi muốn xây dựng “trật tự kinh tế mới”?

Quan điểm này của Nga cũng đã nhận được sự tán đồng của đại đa số các nguyên thủ quốc gia các nước châu Á và châu Phi, đặc biệt là nguyên thủ quốc gia của một số cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nước chủ nhà.

Bàn về vấn đề này, ông Andrei Ivanov - Nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Học viện ngoại giao Moskva (MGIMO) bình luận rằng, nói đúng ra, việc thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới đã được tiến hành nhưng chưa thể hiện rõ rệt.

Ông Ivanov nhận định, trong mấy năm qua, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đàm phán với nhau về việc thành lập một khu vực thương mại tự do ba bên, nơi mà việc thanh toán sẽ không tiến hành bằng đồng đô-la Mỹ, mà bằng đồng tiền quốc gia của ba nước, tức là bằng Nhân dân tệ, Yên và Won.

Chắc chắn là triển vọng về một dự án như vậy sẽ không thể khiến cho Washington hài lòng, vì hiện nay người Mỹ đang cố gắng ràng buộc Nhật Bản và Hàn Quốc một cách chặt chẽ hơn, với tư cách là đồng minh quân sự và đối tác chính trị để kiềm chế Trung Quốc.

Rõ ràng, Mỹ hy vọng rằng điều đó sẽ làm rạn nứt mối quan hệ của Seoul và Tokyo với Bắc Kinh, và kìm hãm, ngăn chặn cuộc đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại ba bên đi tới thành công, bởi nếu không, bạn bè của Mỹ sẽ bị cuốn vào mối quan hệ lợi ích với “đối thủ số 1” của Washington.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán đó vẫn đang được tiến hành. Hơn nữa, ý tưởng từ bỏ đồng đô-la đang lơ lửng trong khối BRICS và đã tích cực triển khai thực hiện trong nhóm SCO.

Nga muốn tước “vũ khí kinh tế toàn cầu” của Mỹ ảnh 3

Tuy nhiên, Nga chưa sẵn sàng biến đồng rúp thành đồng tiền thanh toán quốc tế

Nga chưa sẵn sàng biến đồng rúp thành đồng tiền thanh toán quốc tế

Theo ông Andrei Ostrovsky, phó giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, các quốc gia Đông Nam Á hiện đang bổ sung dự trữ không phải bằng đô-la mà bằng đồng Nhân dân tệ và trong tương lai, đồng rúp Nga cũng có thể trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế.

Ông Ostrovsky cho rằng, sức mạnh của đồng tiền được xác định, trước hết bằng khối lượng xuất khẩu hàng hoá và khả năng cạnh tranh. Nga có thể làm cho đồng rúp tăng giá bằng cách bán dầu bằng rúp, đối tác sẽ thanh toán bằng rúp và tỷ giá đồng rúp sẽ tăng lên ngay lập tức.

Tuy nhiên, vị học giả này nêu lên một hạn chế là các công ty của Nga chưa có ý định bán dầu bằng rúp. Ngay từ 5 năm trước ông Ostrovsky đã khuyến nghị chính phủ Nga chuyển sang buôn bán nguyên liệu năng lượng bằng đồng rúp. Nhưng từ đó đến nay nền thương mại của Nga vẫn chưa sẵn sàng để chuyển sang bán hàng bằng đồng tiền quốc gia.

Ông Ostrovsky thừa nhận rằng, hiện nay ở Nga có hai nhóm công ty: gồm những người sẵn sàng chuyển sang thanh toán bằng rúp, do đó góp phần vào sự phát triển nước Nga và nhóm khác muốn làm việc bằng đồng USD hay euro và giữ tiền ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Ostrovsky cho rằng, đề xuất của Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich về lập ra một thế giới đa tiền tệ không phải là ngẫu nhiên.  

Điều này có thể phản ánh mong muốn của Tổng thống Nga V. Putin về vấn đề tiến hành các biện pháp nhất định để thay đổi thái độ tiêu cực của giới doanh nghiệp Nga đối với việc chuyển sang kinh doanh bằng đồng rúp.