Mỹ căng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

ANTĐ - Những thông tin phát đi từ Bắc Kinh cho thấy, vấn đề Biển Đông đang trở thành chủ đề nhạy cảm trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đến Trung Quốc lần này.
Mỹ căng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ảnh 1

Ông J. Kery  trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Không phải đợi đến khi ông J.Kerry đặt chân đến Bắc Kinh (sáng 16-5), chủ đề này mới nóng lên. Thực tế thì thời gian gần đây, Mỹ ngày càng tỏ ra khó chấp nhận với các hành động cứng rắn của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông, mà bằng chứng là hoạt động bồi đắp 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang được Trung Quốc tiến hành với tốc độ chóng mặt. Dù nằm cách xa Biển Đông cả vạn dặm nhưng lợi ích của Washington lại gắn liền với vấn đề tự do thông thương hàng hải và hàng không trên vùng biển này, khiến Mỹ không thể làm ngơ.

Mới tuần trước, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề Biển Đông, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở Biển Đông, đồng thời hối thúc Chính quyền của Tổng thống 

B. Obama phải có phản ứng cương quyết hơn đối với những động thái này. Thậm chí Thượng nghị sĩ Cộng hòa B. Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, còn cho rằng Chính quyền Obama đang thiếu “một chính sách mạch lạc” trong vấn đề Biển Đông. 

Ông B. Corker cũng không quên nhắc khéo Tổng thống B. Obama rằng nhiều người Mỹ hoài nghi với quan điểm của Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc đang đánh mất vị thế của nước này trên trường quốc tế vì những hành động gây căng thẳng gần đây ở Biển Đông. Theo ông B. Corker, “trên thực tế chính nước Mỹ đang phải trả giá” và bạn bè của Mỹ đang ngày càng quan ngại về vai trò cũng như những cam kết của Washington.

Sự việc càng nóng lên khi hôm 12-5, tờ Nhật báo Phố Wall đưa tin quân đội Mỹ đang cân nhắc “sử dụng máy bay và tàu hải quân tới Biển Đông để trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc” ở vùng biển này. Các nhà phân tích cho rằng đây là cách mà Mỹ có thể áp dụng nhằm vô hiệu hoá nguy cơ Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông hay tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các đảo nhân tạo được xây dựng từ những bãi đá ngầm (không phải đảo).

Theo một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ không cho Trung Quốc quyền được tuyên bố chủ quyền ở những nơi này. Quan chức này khẳng định: “Cuối cùng, dù Trung Quốc có chất bao nhiêu cát lên trên các bãi cạn hoặc bãi chìm thì cũng không củng cố được tuyên bố chủ quyền của họ. Họ không thể xây dựng chủ quyền”, rằng việc chiếm đóng các thực thể (bãi đá, bãi san hô, đảo) không có nghĩa là không cho phép các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải.

Sự bất đồng đó đã khiến không khí cuộc gặp ở Bắc Kinh thêm căng thẳng. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị của phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ 

J.  Kerry nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi Trung Quốc thông qua Bộ trưởng Vương hãy thực hiện những động thái sẽ hợp sức mọi người trong việc hỗ trợ giảm những căng thẳng và tăng cường tìm kiếm giải pháp ngoại giao”. Ông J. Kerry cũng khẳng định Trung Quốc và khu vực ASEAN rất cần “sự ngoại giao thông minh” để tiến tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông hơn là “những tiền đồn và nỗi hoang mang quân sự”.

Không khí cuộc gặp của ông J. Kerry với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có phần dịu hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ với Tổng thống Mỹ B. Obama và đưa quan hệ Mỹ-Trung theo kiểu mẫu mới về quan hệ giữa các nước lớn”. Tuy nhiên, khi vướng mắc về lợi ích chưa được giải toả, thì quan hệ Mỹ - Trung chưa thể bình yên.