Mở chiếc van khí đốt

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đã tạm thời  khép lại sau khi Tổng thống Nga V. Putin và người đồng cấp Ukraine P. Poroshenko đạt được thỏa thuận sơ bộ về giá bán khí đốt của Mátxcơva cho Kiev trong mùa đông tới.

Mở chiếc van khí đốt ảnh 1Khu chứa khí đốt dự trữ của Ukraine nằm gần làng Mryn

Phát biểu với các kênh truyền hình của Ukraine, Thủ tướng Ukraine cho biết Mátxcơva và Kiev đã đạt được một thỏa thuận ấn định mức giá khí đốt mua của Nga ở mức 385USD/1.000m3 đến ngày 31-3 năm sau. Giới phân tích cho rằng đây là mức giá bán “hợp lý” hơn so với mức 485 USD mà Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga từng yêu cầu. Trước đó, Tổng Giám đốc Gazprom A. Miller cho biết Ukraine đã đồng ý sẽ thanh toán hai khoản tiền nợ 1,45 tỷ USD và 3,1 tỷ USD cho Gazprom.

Nga đã chính thức khóa van cung cấp khí đốt cho Kiev ngay sau khi Ukraine không đáp ứng thời hạn chót (ngày 16-6-2014) về thanh toán nợ do Mátxcơva đặt ra. Trong khi Nga quyết không mở van khí đốt do Ukraine chưa trả hết nợ, thì Kiev lại đòi Mátxcơva bồi thường 6 tỷ USD bù lại số tiền trước đây đã mua khí đốt của Nga với giá quá cao. Vụ việc căng thẳng đến mức hai tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine đã đệ đơn kiện nhau lên Tòa án trọng tài quốc tế Stockholm (Thụy Điển).

Tất nhiên trong cuộc đối đầu này, Kiev luôn trong thế yếu. Mùa đông khắc nghiệt đã cận kề mà Ukraine vẫn còn thiếu 5 tỷ mét khối khí đốt so với nhu cầu để nước này có thể vượt qua được cơn giá rét. Chứng kiến cảnh Kiev chạy đôn đáo khắp nơi kêu gọi Mỹ và châu Âu gây sức ép với Nga, ông Tổng giám đốc Gazprom A. Miller còn mỉa mai rằng: “Để hút đủ lượng khí đốt cần thiết, ước tính 18-20 tỷ m3 vào các hầm chứa ngầm để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông cũng như đảm bảo cho hoạt động chuyển tải khí đốt, Ukraine cũng không còn đủ thời gian”.

Đầu tháng 9 vừa rồi, Ukraine từng hy vọng đã tìm được lối thoát khi Slovakia hoàn thành tuyến đường ống có khả năng vận chuyển khí đốt ngược từ EU đến Ukraine, ước tính có thể cung cấp 20% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của Kiev. Thế nhưng, còn chưa kịp giơ tay cứu giúp thì Slovakia đã hốt hoảng khi thấy nguồn cung khí đốt của Nga cho nước này bị cắt giảm dần. Với sức mạnh của con bài khí đốt, Nga chẳng cho phép nước nào chơi xấu đằng sau lưng mình.

Nhìn sang châu Âu, Liên minh châu Âu cũng chẳng giúp gì được hơn. EU hiện nhập khẩu 53% năng lượng mà các nước này tiêu thụ, bao gồm dầu thô (gần 90%), khí đốt tự nhiên (66%), nhiên liệu rắn (42%), cũng như nhiên liệu hạt nhân (40%). Trong khi đó, Nga đang là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU với tổng lượng cung ứng chiếm hơn 30% nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của liên minh này. Kiev cũng đã từng nhiều lần cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải quyết tình trạng thiếu tiền mua khí đốt từ Nga nhưng vụ việc cũng chẳng đến đâu.

Xem ra thì chỉ còn cách giảng hòa với Nga là con đường ngắn nhất để xóa đi nỗi lo trước mùa đông băng giá. Đây là điều mà Kiev cũng cần tính đến khi đi tìm lối thoát cho tình hình căng thẳng hiện nay ở miền Đông Ukraine.