Minh bạch hóa quyết sách

ANTĐ - Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định mới buộc công khai hình thức vận động hành lang với các quan chức nhằm minh bạch hóa quá trình ra quyết sách trong liên minh.

Minh bạch hóa quyết sách ảnh 1Hoạt động vận động hành lang tác động rất lớn tới việc ra quyết sách tại EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, một trong những thay đổi quan trọng được EU áp dụng từ ngày 1-12 là các nhà lãnh đạo trong EU buộc phải công khai hình thức vận động hành lang. Theo đó, các ủy viên EC, thành viên văn phòng EU và các quan chức cấp cao của khối này buộc phải công khai các mối liên hệ cũng như công khai trao đổi với các nhóm lợi ích và các nhà vận động hành lang.

Chủ tịch EC Juncker cũng nhấn mạnh, quyết định trên là một việc làm cần thiết trong việc minh bạch hóa các hoạt động đối với các thành viên trong bộ máy của liên minh. Tuy nhiên, để có được quyết định này, trong nội bộ của cơ quan EC đã diễn ra không ít cuộc tranh luận, bàn thảo với những ý kiến trái chiều nhau. 

Vận động hành lang (lobby) là một hoạt động hậu trường rất phổ biến tại khu vực EU, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, song đã dấy lên những tranh cãi, đặc biệt là mối lo ngại của người dân trong liên minh về việc thiên lệch lợi ích trong việc ra quyết sách khi EU hồi tháng 9 vừa qua đã lên kế hoạch bỏ quản lý giá cước điện thoại cố định để giúp các doanh nghiệp viễn thông. Việc EU dự định bỏ quy định mức giá trần đang áp dụng đối với dịch vụ điện thoại cố định ở châu Âu nhằm tăng doanh thu cho các doanh nghiệp viễn thông như Deutsche Telekom, Orange, Telecom Italia... đã bị người dân chỉ trích vì ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng.

Việc kế hoạch trên được ETNO, là tổ chức vận động hành lang về viễn thông cho Deutsche Telekom, Orange, Telefonica, Telecom Italia và Telia Sonera…, ráo riết “lobby” đã thêm một lần nữa cho thấy hoạt động này có tác động thế nào tới việc ra chính sách trong EU. Không phải ngẫu nhiên mà giới quan sát từ lâu đã nhận định rằng, hiện nay ở Brussles (nơi EC và Nghị viện châu Âu - EP đóng trụ sở) không biết lực lượng nào đông hơn: nhân viên công vụ các cơ quan châu Âu hay các nhà vận động hành lang.

Nghề “lobby” ở Brussels (Thủ đô của Bỉ) hiện nay đã trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ trị giá hàng tỷ USD. Theo đánh giá của tổ chức Quan sát Doanh nghiệp châu Âu (CEO), ở Brussels hiện có ít nhất 30.000 người làm nghề vận động hành lang, gần xấp xỉ con số 31.000 nhân viên làm việc trong các cơ quan của châu Âu.

Theo thống kê của CEO, vận động hành lang ảnh hưởng rất lớn tới việc hoạch định chính sách tại EU, mà theo tổ chức này có đến 75% luật pháp của châu Âu chịu tác động nhất định từ “lobby”. Một trong những vấn đề đang được một lực lượng đông đảo thuộc ngành năng lượng quan tâm, đó là lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để vận động EU sửa đổi các quy định nghiêm ngặt về các loại năng lượng thay thế dầu mỏ và khí đốt nhằm tăng nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ, châu Phi và Trung Đông để giảm bớt sự lệ thuộc năng lượng vào Nga cho dù giá cả của Nga có phần hạ hơn. 

Không dễ để có thể giảm thiểu của các hoạt động vận động hành lang mà chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của các tập đoàn, công ty song việc buộc công khai hình thức vận động hành lang với các quan chức từ 1-12 được cho có tác dụng nhất định nhằm minh bạch hóa quá trình ra quyết sách trong EU.