Mâu thuẫn từ hố sâu giàu - nghèo

ANTĐ - Hôm nay, 15-12, điểm biểu tình “Chiếm trung tâm” cuối cùng tại khu Causeway Bay của Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ được giải tán. Từng làm Hồng Kông xáo trộn, giờ đây, các cuộc biểu tình của sinh viên đã lùi xa nhưng vấn đề mà người biểu tình đặt ra vẫn chưa khép lại. 

Mâu thuẫn từ hố sâu giàu - nghèo ảnh 1Đường phố ở khu Causeway Bay đã bình lặng trở lại

Các cuộc biểu tình của phong trào “Chiếm trung tâm” nổ ra ở Hồng Kông (Trung Quốc) sau khi phương án mới bầu người đứng đầu Đặc khu hành chính này được đưa ra. Theo đó, từ năm 2017, chức danh Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ được bầu trong danh sách giới hạn từ 2 đến 3 người, do Ủy ban đề cử giới thiệu. Mỗi ứng cử viên phải được ít nhất một nửa trong tổng số 1.200 thành viên của Ủy ban tán thành.

Những người phản đối, đặc biệt là giới sinh viên cho rằng, lãnh đạo Đặc khu hành chính Hồng Kông phải được bầu một cách dân chủ thật sự, tức là theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Lãnh đạo phong trào sinh viên cho rằng: “Công dân trực tiếp đề cử không chỉ là một sự sắp xếp về cơ chế bầu cử mà còn là nhu cầu chính trị. Điều này sẽ trao cho mỗi công dân quyền quyết định tương lai của đặc khu”.

Bề ngoài, những khẩu hiệu xuất hiện trong các cuộc biểu tình chiếm các trục lộ chính ở Hồng Kông gắn với yêu cầu đòi cải cách bầu cử, nhưng thực chất bên trong là cuộc đối đầu gay gắt giữa người giàu và người nghèo. Hồng Kông được đánh giá là một trong những nơi có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất, cũng là một trong những thành phố có giá nhà đất cao nhất trên thế giới. 

Theo số liệu của Ngân hàng Credit Suisse, năm 2000, 10% người giàu nhất Hồng Kông sở hữu 65,6% giá trị tài sản của toàn thành phố. Đến năm 2007, tỷ lệ này tăng lên 69,3% và đến năm 2014 là 77,5%. Còn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Hồng Kông là nơi có mức độ tập trung tài sản cao thứ hai trên thế giới. Có điều, trong khi người giàu càng giàu lên thì những tầng lớp cư dân khác đang bị bỏ lại đằng sau.

Trong suốt 17 năm, kể từ khi được trao trả về với Trung Quốc, mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường tại Hồng Kông chỉ tăng khoảng 1% mỗi năm, không thể đuổi kịp tỷ lệ lạm phát trong khi giá nhà ngày một phi mã. Thực trạng đó khiến tầng lớp trung lưu và sinh viên ngày càng bất mãn. Họ lo ngại phương thức bầu cử mới không giúp thể hiện hết nguyện vọng của người dân trước thực trạng giàu – nghèo nói trên. 

Dù gây được tiếng vang trong dư luận nhưng phong trào “Chiếm trung tâm” cùng các cuộc biểu tình của sinh viên cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân Hồng Kông bắt đầu tỏ ra bực bội trước những phiền toái trong sinh  hoạt và kinh doanh do các cuộc biểu tình đường phố gây ra, dẫn tới số người ủng hộ phong trào giảm mạnh. Liên minh Vì hoà bình và dân chủ (APD) đã thu thập được hơn 1,83 triệu chữ ký của người dân phản đối phong trào “Chiếm trung tâm”.

Chính một số nhân vật nổi bật trong phong trào này cũng cho rằng, hình thức đấu tranh bằng cách chiếm lĩnh đường phố đã hết tác dụng, nên phải chuyển sang hướng khác, sao cho vừa đạt được mục tiêu, vừa được đa số dân Hồng Kông hưởng ứng. Đến khi 3 người khởi xướng phong trào “Chiếm trung tâm” gồm Phó Giáo sư Đới Diệu Định, Tiến sĩ Trần Kiện Dân và ông Chu Diệu Minh tới đồn cảnh sát đầu thú hôm 3-12, phong trào này đã tạm thời chấm dứt. Tình hình Hồng Kông đã lắng xuống nhưng mâu thuẫn giàu – nghèo chắc chắn sẽ có lúc bùng phát một khi nó chưa được giải quyết căn bản.