Liệu Trung - Ấn có trở thành đối tác mậu dịch quan trọng?

ANTĐ - Ngày 20-10, Voice of Russia đưa tin cho hay, gần đây Ấn Độ đã tuyên bố, nước này có dự định xây dựng đường giao thông men theo tuyến kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực phía bắc Arunachal Pradesh. Những động thái này của New Dlhi đã dẫn đến Bắc Kinh cảnh giác với những quyết định tăng cường sức mạnh quân sự của Ấn Độ tại khu vực tranh chấp.

Liệu Trung - Ấn có trở thành đối tác mậu dịch quan trọng? ảnh 1 Phát triển quan hệ Trung - Ấn vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Bắc Kinh đã cho thấy sự quan tâm của mình đối với việc New Dlhi có kế hoạch xây dựng đường giao thông ở khu vực đang có tranh chấp, đồng thời hối thúc Ấn Độ không nên tạo ra phức tạp thêm cho tình hình tại khu vực này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu, mong muốn phía Ấn Độ khi đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề biên giới cần phải loại bỏ các bước đi làm phức tạp tình hình tại khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa hai nước.

Còn phía Ấn Độ, họ đã phê chuẩn kế hoạch cho dự án tại khu vực này, nên không thể trì hoãn. Kế hoạch xây dựng đường giao thông ven biên giới của Ấn Độ vào khoảng 7 tỷ USD, trở thành dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn nhất trong lịch sử của nước này.

Ngoài xây đường giao thông, gần đây Ấn Độ cũng đang tập trung lựa chọn biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự tại tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như: Tăng cường các trạm quan sát; trang bị thiết bị đồng bộ giám sát điện tử và thiết bị thông tin hiện đại cho lực lượng biên phòng; tăng cường quân số tại khu vực biên giới giữa hai nước, bao gồm cả khu vực Arunachal Pradesh.

Tên lửa Trung Quốc bố trí ở Himalaya có thể tấn công tới mọi mục tiêu trong lãnh thổ Ấn Độ

Điều đáng nói là mọi động thái này đều diễn ra sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc – Tập Cận Bình đến Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước đang kỳ vọng hợp tác song phương giữa hai nước sẽ nồng ấm lên. Thời gian chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai nước đã ký kết nhiều thoả thuận thương mại quan trọng, hai nước quyết định nâng kim ngạch mậu dịch song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015.

Nhưng, chỉ dựa vào hợp tác kinh tế thì không thể bảo đảm được tính phòng ngừa cho quan hệ hai nước có thể xấu đi, nếu mức độ tin tưởng lẫn nhau về chính trị của hai bên không đáp ứng được. Đây là một quy tắc thống nhất cần phải vận dụng thích hợp đối với mối quan hệ Trung - Ấn đang có tranh chấp lãnh thổ lâu dài.

Theo chuyên gia về các vấn đề châu Á của Nga, Ấn Độ cũng rất lo ngại các lực lượng quân đội của Trung Quốc bố trí ở Himalaya. Bắc Kinh cũng đang bố trí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở khu vực này. Những loại tên lửa này có thể tấn công hầu hết các mục tiêu trong toàn lãnh thổ Ấn Độ.

Ấn Độ đang có ý định giám sát mọi hành động của Trung Quốc để cố gắng đối phó. Theo đó, nước này đã thành lập lữ đoàn tác chiến sơn cước ở khu vực này để tiến hành huấn luyện và cũng bắt đầu bố trị một đơn vị tên lửa tại khu vực tiếp giáp với Trung Quốc.

Theo chuyên gia, vấn đề biên giới Trung - Ấn không thể giải quyết một cách triệt để được, hai nước khó trở thành đối tác mậu dịch quan trọng và sẽ có tranh chấp biên giới. Ngoài ra, Bắc Kinh và New Dlhi còn có thể tranh dành ảnh hưởng của mình tại khu vực Nam Á.