Không thể đảo ngược

ANTĐ - Bất chấp sự phản đối của Israel, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Palestine vẫn giữ nguyên kế hoạch đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ).

Người dân Palestine tuần hành ủng hộ quyết định của Tổng thống M.Abbas

Theo dự kiến, sau diễn văn trước các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại phiên họp thứ 66 của Đại Hội đồng LHQ vào ngày 23-9 tới, Tổng thống Palestine M. Abbas sẽ chính thức đệ đơn gia nhập LHQ lên ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Trước đó, tại Palestine, một chiến dịch mang tên “Chiến dịch quốc gia vì Palestine, Nhà nước thứ 194” đã được phát động tại Ramallah, Thủ đô tạm thời của Palestine. Cho đến nay, có khoảng 140 nước ngỏ ý sẽ bỏ phiếu ủng hộ yêu cầu của Palestine.

Thực tế thì Palestine không có con đường nào khác phải hành động đơn phương trong sự chống đối gay gắt của Israel, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Lâu nay, các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Israel luôn bị gián đoạn. Mọi yêu cầu của chính quyền Palestine như giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel cùng chung sống theo những đường biên giới năm 1967 với Thủ đô là thành phố Jerusalem chia làm 2 phần Đông, Tây cho mỗi nước, rồi việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái tại những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đều bị phía Israel làm ngơ.

Với việc đệ đơn lên LHQ, Palestine hy vọng sẽ giành được sự công nhận một Nhà nước Palestine độc lập theo những đường biên giới năm 1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem, tạo sức ép buộc Israel phải ngồi vào đàm phán. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải khó khăn lớn, cho dù đa số các nước trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ với nguyện vọng chính đáng của người Palestine.

Trước hết là sự chống đối của Israel và các đồng minh của Tel Aviv. Khỏi phải nói Israel lo ngại thế nào trước quyết định của Palestine bởi nếu được LHQ công nhận, Palestine sẽ trở thành một quốc gia độc lập theo kịch bản hoàn toàn khác với ý muốn của Israel. Tel Aviv sẽ rơi vào thế cô lập và sẽ không thể tự do hoành hành tại các vùng đất chiếm đóng của người Palestine. Israel muốn sự ra đời của nhà nước Palestine phải nằm trong sự kiểm soát của mình, để Palestine không thể trở thành mối đe dọa với an ninh của Israel.

Quan điểm của Israel được Mỹ và EU ủng hộ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố thẳng nếu có bất cứ nghị quyết nào về độc lập cho Palestine được đưa ra Hội đồng bảo an LHQ,  Washington sẽ phủ quyết nó. Cũng như Tel Aviv, Washington cho rằng con đường duy nhất dẫn tới việc công nhận nhà nước Palestine là phải thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel.

Cái khó nữa với Tổng thống M. Abbas là sự chia rẽ ngay trong nội bộ Palestine. Là một trong hai lực lượng trụ cột ở Palestine nhưng Phong trào Hồi giáo Hamas lại kiên quyết phản đối kế hoạch của ông M. Abbas. Vẫn như trước đây, Hamas khẳng định muốn LHQ công nhận nhà nước Palestine trên toàn bộ lãnh thổ Palestine trong lịch sử, tức là bao gồm cả vùng lãnh thổ hiện nay là Israel. Hamas cho rằng kế hoạch của ông M. Abbas sẽ chỉ dẫn tới hình thành nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, tức là tại các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 1967, chứ không phải toàn bộ Palestine như trong lịch sử.

Sự chống đối từ cả bên ngoài và bên trong đang đặt chính quyền của Tổng thống M. Abbas trước một thời điểm nhạy cảm. Nhưng có lẽ đã đến lúc vấn đề độc lập cho Palestine phải được quyết định và xu thế đó là không thể đảo ngược.