Khi lợi ích ràng buộc

ANTĐ - Việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ phê duyệt nghị quyết lên án mọi hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên Biển Đông và biển Hoa Đông đồng thời nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các tranh chấp cho thấy sự ràng buộc lợi ích của Mỹ ở hai vùng biển này.

Khi lợi ích ràng buộc ảnh 1Vụ đụng độ giữa các tàu cá Trung Quốc với tàu khảo sát Impeccable của Mỹ trên Biển Đông

Nghị quyết có số hiệu H.Res-714, do Hạ nghị sĩ E. Faleomavaega của đảng Dân chủ bảo trợ, tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với những nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, dựa trên cơ sở các nguyên tắc được pháp luật quốc tế thừa nhận, đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Nghị quyết cũng lên án mọi hành động cưỡng chế, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm cản trở quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan của Quốc hội Mỹ bày tỏ sự quan ngại đến tình hình trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Mới tháng 7 vừa rồi, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1-5-2014, thời điểm trước khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trước đó, cuối năm ngoái, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng thông qua nghị quyết nhấn mạnh chính phủ Mỹ hết lòng hỗ trợ tự do hàng hải và việc sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế. 

Mỹ có những lợi ích ràng buộc chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo con số thống kê, châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới và là khu vực tập trung nhiều cường quốc kinh tế cũng như các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Đây cũng là nơi có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn, là khu vực chiếm 2/3 tổng dự trữ ngoại hối của thế giới. 

Hiện nay, xuất khẩu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu của thế giới, trong đó, kim ngạch thương mại mỗi năm giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ vượt 1.000 tỉ USD. Bên cạnh đó, hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới gồm dầu khí, hàng hóa container và nguyên liệu thô thiết yếu, đều đi qua Biển Đông. 

Là nước nhập khẩu dầu mỏ, kinh tế Mỹ đương nhiên sẽ lao đao một khi tuyến đường biển qua Biển Đông bị gián đoạn. Không những thế, việc Trung Quốc đơn phương lập ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông tạo nguy cơ gián đoạn cả các tuyến đường hàng không ngang qua khu vực. Nếu như Trung Quốc lập tiếp ADIZ trên Biển Đông, các tuyến đường giao thông trên không và trên biển của Mỹ qua khu vực sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Nghị quyết H.Res-714 vừa được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua phản đối mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế. Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, đồng thời không có các hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á-Thái Bình Dương. 

Nghị quyết H.Res-714 cũng kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).