Khi giá dầu thô xuyên đáy

ANTĐ - Trái với thường lệ, giá dầu lửa đang lao dốc với tốc độ chóng mặt và hiện đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, khiến cuộc tranh cãi xung quanh nguồn nhiên liệu có tính chiến lược này nóng lên từng ngày. 

Khi giá dầu thô xuyên đáy ảnh 1Việc tăng nguồn cung khiến giá dầu thế giới giảm mạnh

Hiện nay, giá dầu thô của Mỹ chỉ còn ở mức 68,11 USD/thùng trong khi giá dầu Brent cũng chỉ ở mức 71,58 USD/thùng. Với mức giảm 8%, giá của hai loại dầu thô chủ lực này của thị trường thế giới trong ngày 27-11 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2009. Nếu tính từ tháng 6 đến nay, giá loại nhiên liệu sống còn đối với mọi nền kinh tế này đã giảm xấp xỉ 34% và riêng trong tháng 11 giảm 13%.

Khỏi phải nói giá dầu thô giảm tác động thế nào đến những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Thông tin về giá dầu đã đẩy đồng Rúp của Nga xuống mức thấp chưa từng có so với đồng Euro và gần thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD. Cổ phiếu của các công ty dầu lửa lớn tại thị trường châu Âu cũng lao dốc mạnh, trong đó cổ phiếu của Royal Dutch Shell giảm 4,3%, cổ phiếu Total giảm 4,1%, và cổ phiếu BP giảm 2,7%. 

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Venezuela N. Maduro tỏ ra bức xúc khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không phản ứng gì trước lời kêu gọi của nước này rằng cần cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu để đưa giá dầu thế giới trở lại mức khoảng 100 USD/ thùng. Với trữ lượng dầu thô được phát hiện và khai thác chiếm tới 80% tổng trữ lượng trên toàn thế giới, sản lượng xuất khẩu dầu của OPEC đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Chính vì thế, quyết định của OPEC duy trì sản lượng ở mức 30,66 triệu thùng dầu/ngày bất chấp sự dư thừa nguồn cung đã tạo sức ép lên giá dầu. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu  sụt giảm là do nhu cầu từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, không còn lớn như trước đây. Hiện nay, sản lượng khai thác dầu đá phiến (shale oil) của Mỹ đã lên tới 9 triệu thùng/ngày, giúp nước này giảm mạnh nguồn dầu nhập khẩu. Theo tính toán, khối lượng nhập khẩu dầu của Mỹ từ các nước OPEC hiện nay ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, chỉ chiếm khoảng 40% nhu cầu của nền kinh tế Mỹ. 

Tuy nhiên, chính thực trạng tăng trưởng yếu của nền kinh tế toàn cầu mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá dầu đảo chiều. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gây thất vọng lớn khi mức tăng trưởng trong năm 2014 chỉ dừng ở con số khiêm tốn 0,8% và dự báo sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm 2015. Bộ trưởng Tài chính Mỹ J. Lew đã phải thốt lên rằng, thế giới không thể trang trải cho một thập kỷ thua lỗ của châu Âu. Trong khi đó, mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo cũng sẽ giảm từ 7,3% của năm nay xuống còn 6,5% năm 2015.

Nhìn về tương lai, trên cơ sở dự báo lượng cung - cầu, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng tình trạng gia tăng nguồn cung gây sức ép lên giá dầu sẽ còn tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2015. Đây quả là tin không vui với các nước xuất khẩu dầu mỏ nhưng lại là tin vui với đa số các nước trên thế giới. Tâm trạng đối nghịch đang diễn ra: Trong khi nước Nga đau đầu với con số thiệt hại từ 90 - 100 tỷ USD mỗi năm do giá dầu sụt giảm, thì người Mỹ lại đang nhộn nhịp đón mừng Ngày vàng mua sắm (Black Friday), kéo dài 4 ngày từ ngày 26-11, khi mà giá xăng bán lẻ giảm xuống mức bất ngờ dưới 3 USD/gallon (1 gallon xấp xỉ 4 lít) khiến giá dịch vụ giảm theo.